Trong báo cáo mới đây gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may hiện mới đạt khoảng 40 - 45%.
Vải sản xuất trong nước phần lớn được sử dụng để sản xuất quần áo chất lượng trung bình và thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Chính vì vậy, chỉ tính riêng năm 2019, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD vải phục vụ cho ngành may mặc.
Các ngành sản xuất bông, sợi, nhuộm của Việt Nam đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành vải trong nước, nên các doanh nghiệp dệt may nội địa vẫn phải nhập khẩu vải để sản xuất hàng may mặc.
Đáng chú ý, điểm nghẽn lớn nhất đối với công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là công nghệ nhuộm vải cũng như công tác xử lý môi trường để phát triển ngành dệt nhuộm vẫn chưa được quan tâm đúng mức đã hạn chế việc các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt vải và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Nhiều địa phương hiện không mặn mà với các dự án dệt nhuộm do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ngành dệt may Việt Nam vì vậy chủ yếu mới chỉ dừng ở công đoạn may gia công, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cho sản phẩm dệt may còn rất thấp.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ KH&ĐT đang xây dựng đề án về việc thí điểm thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho dệt may, da giày, hóa chất, có hệ thống xử lý nước thải riêng để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Các chuyên gia cho rằng, nếu kế hoạch này được thực thi, có lẽ các địa phương sẽ không còn phải “né” các dự án dệt nhuộm vì lo ngại gây ô nhiễm môi trường như trước nữa.
Theo Thời báo kinh doanh