Dự án Luật Quy hoạch được xây dựng với bố cục gồm 6 chương, 70 điều; quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.
Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Quy hoạch.
Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.
Ngày 18/7/2017, UBTVQH có công văn số 162/UBTVQH14-PL (Công văn 162) yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch và báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 14 (tháng 9/2017).
Trên cơ sở Tờ trình bổ sung số 362/TTr-CP ngày 31/8/2017 của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch, ngày 8/9/2017, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã họp phiên mở rộng để xem xét, cho ý kiến về dự án Luật này.
Báo cáo thẩm tra bổ sung về dự án Luật Quy hoạch của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, từ sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch, rà soát các luật có liên quan đến nội dung của dự án Luật Quy hoạch.
Cơ quan soạn thảo cũng đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Kinh tế, cung cấp các thông tin cần thiết trong quá trình rà soát, hoàn chỉnh dự án Luật Quy hoạch để trình UBTVQH và trình Quốc hội. Tờ trình số 362/TTr-CP kèm theo dự thảo Luật Quy hoạch đã được chỉnh lý, hoàn thiện để báo cáo UBTVQH, theo đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nhóm 8 luật có nội dung đơn giản về kỹ thuật ngay trong dự thảo Luật Quy hoạch và có danh mục 24 luật dự kiến sửa đổi, bổ sung kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án Luật Quy hoạch đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại hai kỳ họp (kỳ 2 và kỳ 3), về cơ bản dự án Luật đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng một luật khung, điều chỉnh chung cho công tác quy hoạch. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, cần thiết phải sửa đổi các luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.
Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH tiếp tục đóng góp ý kiến vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh; quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch…
Một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng.
Theo Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch, Chính phủ đề xuất danh mục 24 luật quy định về quy hoạch cần sửa đổi. Đây là những luật được xác định là có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn các luật đã được đề xuất tại Điều 69 của dự thảo Luật và cần được xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động quy hoạch trong các luật có liên quan là cần thiết và các quy định này phải có hiệu lực thi hành đồng thời vào ngày 01/01/2019, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định trong Luật Quy hoạch, tránh việc tạo ra các khoảng trống, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện hệ thống quy hoạch của cả nước.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan rà soát kỹ lưỡng các luật cần sửa đổi, bảo đảm chính xác số lượng các luật cần đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Nguồn Báo Chính phủ