Cuộc thi do UNDP, Nhóm điều phối quốc gia thuộc Ban thư ký về xử lý rác thải trên biển của Indonesia, Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines, chính quyền địa phương đảo Samal (Philippines) và Mandalika, đảo Lombok (Indonesia) đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad) và Bộ Ngoại giao Na Uy.
Tất cả các cá nhân, tổ chức từ các nước Đông Nam Á (ASEAN) hoặc từ bất kỳ các quốc gia nào khác trên toàn cầu nhưng trong nhóm có ít nhất một thành viên là công dân ASEAN, có khả năng giao tiếp và trình bày ý tưởng rõ ràng bằng tiếng Anh đều có thể tham gia cuộc thi. Thời gian dự thi là từ nay cho đến hết 23-5. Dự kiến kết quả vòng sơ khảo sẽ được công bố vào tháng 6 tới.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Hải dương học của Viện Khoa học Indonesia (LIPI), mỗi năm có khoảng từ 268.740 đến 594.558 tấn rác nhựa thải ra biển của quốc gia này.
Bà Sophie Kemkhdaze, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Indonesia cũng chia sẻ: “Các nghiên cứu khác cho thấy Đông Nam Á là khu vực có đóng góp lớn nhất vào rác thải nhựa đại dương. UNDP hy vọng rằng EPPIC có thể góp phần làm giảm con số này bằng việc tìm ra các giải pháp sáng tạo, phát triển và nhân rộng chúng”.
TS Selva Ramachandran, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Philippines cho biết, rác thải nhựa đại dương gây ra các chi phi lớn về môi trường, kinh tế và xã hội cho Philipines. Trong bối cảnh đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng dân số diễn ra nhanh chóng, cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, rác thải nhựa ước tính sẽ tiếp tục gia tăng và gây ra nhiều thách thức đối với Philippines, nếu chúng ta không có các biện pháp gì.
Năm 2019, Bộ Tài nguyên – Môi trường của Philipines đã ước tính nước này đang thải ra 21 triệu tấn rác thải rắn, tăng 56% so với năm 2010. 11% trong số này là nhựa.
Ông cũng chia sẻ: “Với EPPIC, chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu các giải pháp sáng tạo để giải quyết ô nhiễm nhựa một cách có hệ thống và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn”.
Theo ông Bjornar Hotvedt, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Na Uy tại Indonesia, Đông Nam Á hiện đang là điểm nóng của khủng hoảng về rác thải nhựa đại dương, và vì thế, nhiều người cho rằng sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể cải thiện tình hình này.
Ông nhấn mạnh: “Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần các hành động từ chính phủ, cũng như cam kết và đóng góp từ người dân tại các quốc gia. Tôi tin rằng, với EPPIC, một dự án nhận được sự hỗ trợ của Norad, chúng ta có thể phát triển thêm nhiều giải pháp sáng tạo từ cộng đồng để giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa đại dương này”.
Bốn giải pháp thắng cuộc sẽ có cơ hội nhận được tổng cộng 72.000 USD vốn mồi và tham gia vào chín tháng đào tạo tăng tốc, cũng như kết nối với các quỹ đầu tư và công ty phát triển lớn ở ASEAN.
Theo Nhân Dân