Chủ Nhật, 24/11/2024 00:27:41 GMT+7
Lượt xem: 1218

Tin đăng lúc 06-11-2020

Ứng dụng công nghệ thông tin, 'chìa khóa' kiểm soát tốt dịch Covid-19 tại Việt Nam

Theo Bộ TT&TT, Việt Nam có hơn 20 ứng dụng công nghệ thông tin của hơn 20 doanh nghiệp trong nước đã và đang hỗ trợ hữu hiệu công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ứng dụng công nghệ thông tin, 'chìa khóa' kiểm soát tốt dịch Covid-19 tại Việt Nam
Bluezone, một trong những ứng dụng phát huy tính hiệu quả trong việc hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Ảnh: VTV

20 ứng dụng công nghệ phục vụ chống dịch

 

Phát biểu tại Hội thảo "Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phòng, chống và điều trị Covid-19" vừa diễn ra, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết: Trên thế giới, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Cho đến nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chống dịch tốt, duy trì được cuộc sống sinh hoạt bình thường. Một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công là việc ứng dụng công nghệ vào công tác phòng chống và điều trị Covid-19.

 

Thực tế tại Việt Nam, theo ông Long, bên cạnh các biện pháp chuyên môn của ngành y tế thì chiến lược ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát, phòng chống và điều trị bệnh Covid-19 đã được đẩy mạnh. Trong đó phải kể đến Bluezone - ứng dụng cảnh báo và truy vết khi có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19; ứng dụng thiết bị thở oxy lưu lượng cao HFNC trong điều trị Covid-19; phát triển thành công bộ kit thử trong việc chẩn đoán bệnh nhân mắc Covid-19, phần mềm khai báo ý tế NCOVI...

 

Về tình hình ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch, ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm CPĐT (Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT) cho biết, trong phòng chống dịch, đã có hơn 20 ứng dụng, hàng chục công ty công nghệ Việt Nam, gần 1000 nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên tham gia.

 

Việt Nam đã tuyên truyền, cảnh báo chống dịch với 11 đợt nhắn tin (mỗi đợt tới hơn 125 triệu) với 20 nội dung tuyên truyền và hơn 15 tỷ tin nhắn SMS, 5 tỷ bản tin Zalo đã được gửi hơn 2 tháng, tỷ lệ tiếp cận thông tin về phòng chống dịch Covid-19 qua tin nhắn đạt 78%. Đặc biệt, triển khai tin nhắn nhân đạo với Chương trình "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400), thu được số tiền tạm tính hơn 151,7 tỷ đồng với gần 2,6 triệu tin nhắn ủng hộ.

 

Ứng dụng di động cho người dân trong phòng chống dịch của Việt Nam có Ncovi (Ứng dụng khai báo y tế tự nguyện), Bluezone (Ứng dụng quản lý tiếp xúc gần), Vietnam Health Declaration (Ứng dụng khai báo y tế nhập cảnh), Sức khỏe Việt Nam (Ứng dụng cung cấp thông tin dịch bệnh), Covid-19 (Ứng dụng cung cấp thông tin của Bộ Y tế).

 

Việt Nam đã xây dựng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực gồm: tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa.

 

Việt Nam cũng kết nối các bệnh viện hội chẩn toàn quốc với các chuyên gia hàng đầu để đưa ra các phác đồ điều trị những ca bệnh nặng. Các ứng dụng Viettel Telehealth đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh, VOV-Basic24 cho phép kết nối trực tuyến bệnh nhân với các bác sĩ để được tư vẫn hỗ trợ mọi nơi, mọi lúc.

 

Về dạy và học trực tuyến, Việt Nam có kho dữ liệu gồm 5000 bài giảng điện tử e-learning, dạy học trực tuyến qua truyền hình và các hệ thống, cung cấp miễn phí giải pháp, tài khoản học trực tuyến đối với hơn 30.000 trường trên phạm vi toàn quốc, phát sóng miễn phí các bài giảng trên truyền hình. Các ứng dụng điển hình dạy và học trực tuyến có thể kể đến như Viettel Study, VNPT E-learning.

 

Trong khi đó, theo đại diện Cục Tin học hoá, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đạt tỷ lệ 24,71% tăng hơn gấp đôi so với năm 2019 (10,76%); Tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 phát sinh hồ sơ khoảng 40% tăng hơn gấp đôi so với năm 2019 (14,63%).

 

Về các nền tảng làm việc trực tuyến, hàng chục nền tảng, giải pháp, sản phẩm hỗ trợ làm việc từ xa cho cơ quan nhà nước (govtech.mic.gov.vn) và doanh nghiệp (remote.vn). Về hội nghị trực tuyến, nhiều nền tảng đã được giới thiệu như EGOVC Jitsu, Zavi, Comeet, Mega Meeting, Vmeet…`

 

Covid-19 là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số

 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Xuân Đà, Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế (Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế) cho biết, đại dịch Covid-19 là cơ hội vàng để Việt Nam chuyển đổi số và giúp y tế Việt Nam chuyển đổi số nhanh chóng. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì chiến dịch phòng chống dịch.

 

Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, các cơ quan, doanh nghiệp cùng các chuyên gia đầu ngành đẩy nhanh xây dựng và phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin đáp ứng hiệu quả trong suốt thời gian qua, giúp công tác ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly bệnh nhân Covid-19. Nhiều ứng dụng do các doanh nghiệp công nghệ VNPT, Viettel, Bkav… hỗ trợ phòng chống Covid-19.

 

Về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh trong thời gian qua, ông Đà cho biết, 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), liên thông dữ liệu cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam Việt Nam, 99,5% cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc… giúp hỗ trợ người cao tuổi, người già phòng chống Covid-19.

 

Nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử, một số bệnh viện đã công bố sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy (các bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, đa khoa khu vực An Giang, bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ…). Có 23 bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim; Xây dựng hệ thống tư vấn khám chữa bệnh telemedicine, kết nối vạn vật y tế - IoMT (Bệnh viện Bạch Mai với 11 bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Việt Đức với 7 bệnh viện vệ tinh…).

 

Ngành Y tế cũng đã triển khai sử dụng robot trong y tế (robot phẫu thuật nội soi Da Vinci, cột sống renaissance, khớp gối và khớp háng Makoplasty… ứng dụng trí tuệ nhân tạo, lần đầu tiên thí điểm "điện toán biết nhận thức" hỗ trợ điều trị ung thư tại bệnh viện đa khoa Phú Thọ 2018. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và tiến hành xây dựng triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe tại một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Dương, Lâm Đồng, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ…

 

Bộ Y tế cũng đã triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý; ngân hàng thuốc điện tử, cổng dữ liệu bản đồ số các cơ sở y tế Việt Nam; các ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bluezone…

 

Ông Đà cho biết thêm, Bộ Y tế đã đưa ra Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, tầm nhìn chuyển đổi số đến năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành Y tế, hình thành y tế thông minh... Mục tiêu tổng quát chuyển đổi số ngành Y tế là góp phần xây dựng hệ thống Y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận hệ thống thông tin y tế, sử dụng ứng dụng, dịch vụ y tế hiệu quả, bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe liên tục suốt đời.

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang