Tiềm năng lớn
Có thể nói, với hệ thống y tế từ trung ương đến cấp xã, thêm nữa với hơn 95 triệu người dân có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, ngành Y tế được coi là lĩnh vực có tiềm năng lớn để ứng dụng công nghệ thông tin. Thực tế, đến nay cả 3 tập đoàn lớn FPT, VNPT, Viettel đều đã, đang đẩy mạnh hợp tác với ngành này.
Đầu tiên phải kể đến FPT, vì xét về “thâm niên”, FPT là đơn vị đầu tiên hợp tác với ngành Y tế. Năm 2000, FPT đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện FPT.eHospital, và hiện được ứng dụng tại 200 cơ sở y tế trong toàn quốc. Sử dụng phần mềm này, các bệnh viện nâng cao được hiệu suất khám, chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện có thể quản lý toàn bộ hoạt động để hướng đến xây dựng bệnh viện không giấy tờ... Tập đoàn VNPT hiện được đánh giá là có khối khách hàng không nhỏ khi cung cấp Hệ thống quản lý bệnh viện VNPT-HIS tại 60/63 tỉnh, thành phố với 6.920 khách hàng là các cơ sở y tế (trong tổng số 13.800 cơ sở y tế trong toàn quốc). Tập đoàn Viettel, gần đây nhất, là đơn vị cung cấp vận hành Hệ thống kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc...
Vậy đâu là lý do để các tập đoàn công nghệ, viễn thông không thể đứng ngoài cuộc?
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ, nhu cầu của người dân hiện nay không chỉ khám, chữa bệnh mà còn là phòng bệnh, theo dõi sức khỏe 24/24 giờ. Và với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự ra đời của các mạng xã hội như Facebook, công cụ tìm kiếm Google, người dân có thói quen mới từ sự hỗ trợ của công nghệ. Điều này đặt ra vấn đề cần ứng dụng công nghệ thông tin để người dân đỡ mất thời gian chờ đợi khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời giúp ngành Y tế quản lý hành chính tốt hơn.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp ngành Y giải quyết được hai vấn đề lớn là kết nối người dân với cơ sở y tế, cán bộ y tế; chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời khi các công việc thường nhật dần được điện tử hóa. Cũng theo lãnh đạo Viettel, việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các cơ sở cung ứng thuốc mà Viettel đang triển khai giúp chủ nhà thuốc giảm 50-70% thời gian kiểm đếm kho, quản lý hóa đơn, doanh thu; còn với cơ quan quản lý sẽ xóa bỏ được việc báo cáo vì các khâu từ quản lý số liệu, điều phối thuốc... được thực hiện theo thời gian thực bất kể khi nào.
Rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh
Có một thực tế, hiện nay ngành Y tế, nhất là tại các bệnh viện lớn đang đối mặt với tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi để đến lượt khám, chữa bệnh. Đây cũng chính là bài toán với doanh nghiệp công nghệ khi triển khai các giải pháp cho bệnh viện.
Theo ông Lý Đoàn Đức, Giám đốc Phòng Nghiên cứu phát triển y tế thông minh của FPT, sau khi triển khai phần mềm eHospital, Bệnh viện Bạch Mai có thể hỗ trợ tiếp đón lên tới 9.000 bệnh nhân/ngày; số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh sau khi sử dụng phần mềm tăng 15-20%; thời gian đăng ký khám chỉ từ 15 giây đến 1 phút. Bệnh viện Nhi trung ương mỗi ngày tiếp đón khoảng 3.600 bệnh nhân, tăng 20% so với trước; thời gian cho phần đăng ký của mỗi bệnh nhân dịch vụ là 15 giây. Hiện một số bệnh viện mà FPT cung cấp giải pháp đã đạt chỉ tiêu thời gian khám, chữa bệnh giảm 4 lần; thời gian chờ đợi của bệnh nhân giảm 10 lần.
Còn theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT, việc ứng dụng phần mềm VNPT-HIS đã tăng thời gian phục vụ bệnh nhân ở các khâu tiếp nhận, nhập viện, thanh toán... lên 25% so với trước. Không chỉ vậy, phần mềm này còn có chức năng giúp thực hiện việc thanh toán bảo hiểm xã hội đúng quy định, tránh tiêu cực phát sinh. Được biết, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh) sau khi sử dụng ứng dụng này của VNPT đã tăng tỷ lệ người khám bệnh ngoại trú từ 1.500 người lên 2.000 người. Đại diện Viettel cũng cho biết, đến nay Hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu các cơ sở cung ứng thuốc đã triển khai tại 25 tỉnh, thành phố, cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, liên thông kết nối với hơn 22.000 đơn thuốc và đem lại kết quả tốt.
Có thể thấy ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế đã giúp các cơ sở y tế, bệnh viện tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất khám, chữa bệnh với mục tiêu nhanh, chính xác và người dân thuận tiện hơn; bác sĩ được công nghệ hỗ trợ để chỉ định thuốc chính xác, theo dõi được tình trạng của bệnh nhân qua các lần khám, điều trị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là tiền đề để xây dựng y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu phát triển của con người và xã hội, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo báo Hà Nội mới