Giảm lo âu, khôi phục trí nhớ
Nằm tựa lưng vào một chiếc ghế đệm êm ái, cụ bà Betty Millwood đang sống trong viện dưỡng lão Milford Grange ở thành phố Brisbane thích thú tham gia chuyến hành trình đến với một vùng bờ biển.
“Ôi đáng yêu quá”, bà Betty thốt lên khi nhìn thấy những con cá bơi lội tung tăng thông qua một chiếc kính thực tế ảo mà bà đang đeo. Với chiếc kính này, bà cảm thấy vô cùng hào hứng bởi bà có cảm giác như đang được bơi cùng những chú cá heo.
Trại dưỡng lão Milford Grange ở thành phố Brisbane, thuộc bang Queensland là một trong rất nhiều trung tâm chăm sóc người già, ở Australia đang thử nghiệm công nghệ thực tế ảo, để hỗ trợ các cụ già đang sống trong viện dưỡng lão giải trí và thư giãn, những người thường cảm thấy buồn tẻ bởi họ ít có việc gì để làm, cũng chẳng có nhiều hoạt động để giải trí và nhất là phải đối mặt với tình trạng suy giảm trí nhớ.
“Khi bắt đầu chuyến du lịch biển thông qua chiếc kính thực tế ảo, chúng tôi quan sát thấy bà Betty khá thoải mái và bắt đầu mỉm cười. Và ngay cả khi chuyến hành trình đã kết thúc, tâm trạng lo âu, buồn bã của bà ấy cũng không còn nữa”, cô Elisabeth Elder, chuyên gia hỗ trợ hành vi nhận xét.
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, ngoài việc thư giãn, giảm stress và cảm giác lo âu, những chiếc kính thực tế ảo còn hỗ trợ, kích thích khả năng ghi nhớ của những người mắc chứng bệnh suy giảm trí nhớ.
Cùng đó, công nghệ này còn đem đến cho người dùng những trải nghiệm mới.
“Một số người già lâu lắm rồi chưa được đi du lịch ở biển, nhưng họ vẫn có thể trải nghiệm một kỳ nghỉ đầy nắng và gió đại dương với chiếc kính này. Công nghệ thực tế ảo đã và đang đem đến cho các cư dân trong trại dưỡng lão Milford Grange những trải nghiệm mới vô cùng thú vị”, ông Matiu Bush, Giám đốc Tương tác thiết kế của trại dưỡng lão Bolton Clarke, một trong những trung tâm áp dụng công nghệ thực tế ảo để hỗ trợ người già.
Với những người bị sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, điều đau lòng nhất là họ dần không còn nhận ra và giao tiếp được bình thường với người thân. Công nghệ thực tế ảo được đưa vào sử dụng ở nhiều viện dưỡng lão Australia còn tái dựng lại chi tiết những hình ảnh về các sự kiện lớn trong quá khứ mà nhiều người đã trải qua. Khi nhìn thấy những hình ảnh này, người cao tuổi bị mất trí nhớ sẽ được sống lại quá khứ và các kỷ niệm sẽ hiện về, kích thích họ nhớ lại các chi tiết khác.
Hiện, các nhân viên tại những trại dưỡng lão nói trên đang có kế hoạch thu thập danh sách nơi mà các bệnh nhân ưa thích, qua đó đưa vào nội dung của các chuyến tham quan bằng kính thực tế ảo.
Giúp người già tự tin hơn khi giao tiếp
Mục đích của việc này là giúp người già có thể dễ dàng ôn lại những trải nghiệm đáng nhớ trong đời để dần hồi phục trí nhớ cũng như tự tin hơn trong việc giao tiếp xã hội.
“Khi con người gặp vấn đề trong việc giao tiếp xã hội, người ta thường sợ đám đông. Thông qua chiếc kính thực tế ảo, chúng tôi mô phỏng môi trường giao tiếp này để tạo ra những tình huống giao tiếp chọn lọc để từ đó giúp người già tự tin hơn khi tương tác trong đám đông”, Giáo sư Nadeeka Dissanayaka, Đại học Queensland, chuyên nghiên cứu về người già cho biết.
Kính thực tế ảo khiến cho cuộc sống trong viện dưỡng lão của các cụ già không còn buồn tẻ.
Dự án sử dụng công nghệ thực tế ảo giúp người mất trí hồi tưởng cho tới nay cũng đã được áp dụng tại Anh. Dự án này cũng đang được nhiều quốc gia khác trên thế giới nghiên cứu áp dụng để có thêm nhiều bệnh nhân mất trí nhớ được trải nghiệm liệu pháp này.
Với tình trạng lão hóa của dân số thế giới hiện nay, tổ chức y tế WHO ước tính, đến năm 2050, số người mắc chứng mất trí sẽ tăng gấp 3 lần, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và xã hội.
Theo cảnh báo của WHO, đến năm 2050, chứng bệnh mất trí ảnh hưởng đến khoảng 152 triệu người trên toàn thế giới, trong đó Alzheimer hay còn gọi là bệnh mất trí nhớ là chứng bệnh mất trí phổ biến nhất, chiếm từ 60 - 70% các ca bệnh.
Hiện chi phí điều trị hàng năm đối với các bệnh về mất trí đã lên tới 818 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP toàn cầu. WHO ước tính con số này sẽ tăng lên gần 2.000 tỷ USD vào năm 2030, và điều này cản trở nghiêm trọng sự phát triển của kinh tế và xã hội, cũng như khiến hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội quá tải.
Nguồn Khampha