Vấn nạn cuộc gọi rác
Nhiều năm trở lại đây, nhiều người dùng di động đã bị làm phiền bởi những cuộc gọi rác hàng ngày. Sự phiền phức ngày một tăng lên khi những cuộc gọi rác được thực hiện bất kể giờ giấc. Thậm chí, kẻ phát tán còn sử dụng băng ghi âm sẵn để tăng số lượng cuộc gọi. Cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ như rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh…
Việc quét các cuộc gọi rác được nhà mạng thống nhất thông qua biện pháp kỹ thuật. Do đó, căn cứ vào số lượng cuộc gọi bất thường, tần suất cuộc gọi, khoảng cách giữa các cuộc gọi, độ dài cuộc gọi và phản hồi của người dùng di động, nhà mạng sẽ dựa trên cơ sở đó để xác định một thuê bao có phải nguồn phát sinh cuộc gọi rác hay không.
Thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi rác sẽ bị khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.
Ứng dụng Big data – AI vào chặn các cuộc gọi rác
Để chặn cuộc gọi rác, các nhà mạng như Mobifone, Viettel… đồng loạt cho biết sẽ ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề. Trong đó, Mobifone cho biết, họ đã xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi rác sử dụng công nghệ Big Data - AI và học máy (machine learning) trong việc phân tích xác định tập thuê bao nghi ngờ.
Còn Viettel đã nhắn tin truyền thông cảnh báo đến 71 triệu thuê bao di động theo tần suất hàng tháng. Liên quan đến các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, đại diện Viettel cho biết sẽ rà soát các đầu số thuê bao theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông của Liên minh viễn thông thế giới để đảm bảo các số chủ gọi theo quy định đối với cuộc gọi có trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Viettel cũng xây dựng các giải pháp tổng đài để kiểm tra thuê bao chủ gọi và các công cụ để phát hiện và chặn lọc các cuộc gọi quốc tế giả mạo, lừa đảo. Nhà mạng này cho biết đã chặn lọc được hàng trăm nghìn cuộc gọi từ quốc tế về có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.
Theo VietQ