Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã Nông sản an toàn Sơn Công (huyện Ứng Hòa) đã vận động thành viên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới tự động điều khiển từ xa; sử dụng phân bón vi sinh... “Nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu tại chỗ và bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã với giá cao hơn rau thông thường 10-30% tùy loại, lợi nhuận của người trồng rau nhờ vậy đạt cao hơn”, ông Vũ Văn Mạnh - Phó Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, thành viên Hợp tác xã Nông sản an toàn Sơn Công cho hay: "Nhiều năm trước, do sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất thấp; nhiều khi sắp thu hoạch, gặp thời tiết xấu, mưa nhiều, rau bị úng ngập là mất trắng. Từ khi vào hợp tác xã, sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, không mất nhiều công lao động, năng suất và giá trị thu nhập đều tăng".
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, diện tích rau màu trên địa bàn huyện duy trì ổn định khoảng 800ha. Từng bước cải tiến quy trình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, đến nay, Ứng Hòa triển khai được 3 mô hình điểm trình diễn nhà lưới tại các xã: Sơn Công, Phù Lưu, Hồng Quang và các xã ven sông Đáy với hơn 100ha ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, bước đầu cho kết quả khả quan.
Tương tự, Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) được thành lập tháng 6-2020 với 7 thành viên và số vốn ban đầu hơn 1 tỷ đồng. Nhờ hướng đi mới, đầu tư công nghệ cao, rau sạch Chử Tâm có chỗ đứng vững chắc trong vùng rau an toàn Văn Đức. Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sản phẩm của hợp tác xã có giá ổn định hoặc cao hơn khoảng 2-3 lần so với sản phẩm canh tác theo phương pháp truyền thống. Hằng ngày, hơn 2 tạ rau sạch được xuất bán tại cửa hàng của hợp tác xã và nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản sạch ở các khu đông dân cư như khu đô thị Vinhomes Ocean Park... Hiện nay, hợp tác xã đang tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên; doanh thu đạt 50-70 triệu đồng/tháng.
Thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT Hà Nội thời điểm này cho thấy, toàn thành phố có hàng ngàn héc ta rau màu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như: Vùng sản xuất sử dụng giống sạch bệnh, năng suất cao và chất lượng tốt; sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, giữ cân bằng hệ sinh thái; ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; sản xuất trong nhà lưới, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và dịch hại; đạt tiêu chuẩn rau an toàn, tiến tới đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP theo chuỗi... Hà Nội đã xây dựng được hơn 50 chuỗi rau, củ, quả an toàn, trong đó có 10 chuỗi rau ứng dụng công nghệ cao, tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, công ty kinh doanh thực phẩm an toàn...
Khẳng định hướng đi hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhấn mạnh, việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau đang được người dân đồng tình và tiếp tục nhân rộng diện tích do các mô hình này hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây chính là hướng đi tất yếu cho nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới.
Theo Hanoimoi.com.vn