Đây là cụm công trình khoa học và công nghệ do PGS.TS Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế Chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) làm chủ nhiệm và là cụm công trình được đánh giá cao trong số các cụm công trình tiêu biểu được đề nghị xét tặng đợt này.
Cụm công trình gồm hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất tập trung vào lĩnh vực sấy/chế biến hạt giống (ngô, lạc) tiết kiệm năng lượng, nhằm chủ động hơn về giống, nâng cao giá trị sản xuất, giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, HTX và người nông dân. Nhóm thứ hai tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp theo công nghệ khí hóa quy mô công nghiệp, nhằm tận dụng phế phụ phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ứng dụng ngay cho sản xuất nông nghiệp theo hướng “khép kín” kinh tế tuần hoàn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, các công trình trong cụm công trình có “trình độ” công nghệ ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới như Châu Âu (Đức, Áo) hay Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), thậm chí có những nét “mới hơn” so với thế giới. Các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào sản xuất ở các địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang,… góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp. Với kết quả này hoàn toàn có thể nhân rộng ra ứng dụng tại nhiều cơ sở chế biến/sấy giống quy mô lớn/công nghiệp khác trong cả nước nước, thậm chí có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Đây có thể coi là thành tựu, góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khi ứng dụng chuyển đổi các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch thông qua công nghệ năng lượng tái tạo từ khí hóa.
Cụm công trình đã góp phần thay đổi tư duy tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp “xanh”, bền vững ngày một phát triển hơn ở Việt Nam trong tương lai.
Thu Hằng