Cơ hội trong 'cơn địa chấn'
Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố áp dụng thuế đối ứng đối với hầu hết các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Trong đó, Việt Nam có thể bị áp mức thuế lên tới 46%.
Dù Mỹ đã thông báo tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày và chỉ áp dụng mức 10% đối với phần lớn đối tác thương mại, nhưng theo các chuyên gia, nguy cơ vẫn còn hiện hữu và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Phát biểu tại hội thảo “Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” ngày 18/4, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, chính sách thuế quan thay đổi đột ngột mà Tổng thống Donald Trump đưa ra có thể coi là một “cơn địa chấn” đối với thương mại toàn cầu.
“Đối với doanh nghiệp, điều tối kỵ là sự thay đổi chính sách đột ngột và thiếu ổn định. Cả hai yếu tố này đều đang hiện hữu. Mức thuế bị điều chỉnh quá lớn, trong khi 90 ngày chờ đợi cũng tạo ra sự bất ổn không nhỏ trong môi trường đầu tư và kinh doanh”, ông Công nhấn mạnh.
“Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ không chỉ tác động đến một vài doanh nghiệp hay quốc gia riêng lẻ, mà tới toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Mọi kế hoạch và chiến lược sản xuất - kinh doanh đều có nguy cơ bị đảo lộn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, kéo theo hệ lụy cho các ngành nghề liên quan khác”, ông Công nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định rằng chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam có thể khiến kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm, do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Ông cũng cảnh báo xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại, siết chặt kiểm soát xuất khẩu, điều tra gian lận thuế, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và trung chuyển hàng hóa... sẽ làm gia tăng rủi ro bị áp thuế đối ứng, đồng thời hạn chế khả năng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa các nước khác xuất khẩu sang Việt Nam, do tình trạng thừa cung. Chi phí logistics tăng cao, cùng với rủi ro biến động lãi suất và tỷ giá, sẽ càng tạo thêm áp lực.
Từ đó, ông Cấn Văn Lực đưa ra kịch bản cơ sở: Giả sử Mỹ áp thuế đối ứng khoảng 20-25% lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, tổng giá trị phải trả thêm có thể lên tới 55 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa từ Mỹ, thì thiệt hại do giảm thu thuế ước tính khoảng 1,2 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, theo ông Lực, Việt Nam vẫn còn một số cơ hội, chẳng hạn như mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác khi các quốc gia này tìm kiếm nguồn cung thay thế, hoặc đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ứng phó thế nào?
Chia sẻ bên lề hội thảo, Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, doanh nghiệp cần bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, đồng thời rà soát lại chiến lược kinh doanh, thị trường và chuỗi cung ứng của mình để kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó ngắn hạn và xây dựng chiến lược phát triển bền vững về lâu dài.
“Tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam đủ bản lĩnh để vượt qua”, ông Công khẳng định.
Theo ông, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả khoảng thời gian 90 ngày hoãn áp thuế để thực hiện tốt nhất các đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đồng thời, chủ động tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường mới, trong đó có thị trường nội địa.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định: “Thị trường nội địa với 100 triệu dân sẽ là 'trụ đỡ' cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Chính phủ đang đàm phán ký thêm một số FTA mới. Doanh nghiệp cần mạnh dạn, chủ động tiến công vào các thị trường này”.
Ông cũng cho biết, VCCI đã kiến nghị Chính phủ trích một phần nguồn thu ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại.
Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp công tác xúc tiến thương mại thông qua các chương trình mới, hay tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khai mở thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần sắp xếp, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, né những thị trường cung ứng rủi ro mà Mỹ có thể nhắm vào, để tránh việc doanh nghiệp Việt trở thành trung chuyển thay đổi xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Kịp thời phát triển chuỗi cung ứng nội địa, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, từ đó tăng tỷ lệ giá trị gia tăng của Việt Nam trong hàng hóa xuất khẩu - không chỉ với Mỹ mà cả các thị trường khác. Đồng thời, tính toán lại quy trình sản xuất và công nghệ nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh áp lực thuế quan và chi phí đầu vào ngày càng lớn.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, Việt Nam cần sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ, như tăng nhập khẩu từ Mỹ và tiếp tục giảm thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, Việt Nam cần sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ.
Đồng thời, ông nhấn mạnh, cần chủ động giải quyết kịp thời, hợp lý những quan ngại, vướng mắc mà phía Hoa Kỳ đang quan tâm.
“Việt Nam cần có phương án đàm phán nhanh, hiệu quả, kèm theo cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể, nhằm đạt được kịch bản thuế suất thấp hơn mức 20-25%. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành hàng chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ; đồng thời kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước và giữ vững mặt trận xuất khẩu”, ông Lực đề xuất.
Theo vietnamnet.vn