Thứ Ba, 26/11/2024 07:20:03 GMT+7
Lượt xem: 1011

Tin đăng lúc 24-10-2018

Ưu tiên nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tính toán khả năng nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để ưu tiên nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình này.   
Ưu tiên nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia

Huy động mọi nguồn lực thực hiện

 

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện CTMTQG Xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 3.542 xã (chiếm 39,7%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 2.010 xã (22,5%) so với cuối năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn. Bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, tăng 1,37 tiêu chí so với cuối năm 2015; còn 80 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 246 xã so với cuối năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2018 còn dưới 60 xã, hoàn thành mục tiêu phấn đấu năm 2018.

 

Đồng thời, có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 40 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2015. Hoàn thành và vượt mục tiêu năm 2018 có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Bên cạnh đó, CTMTQG Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 100/2015/QH13 là từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%.

 

Những kết quả này có được là do trong thời gian qua, hệ thống khung pháp lý quản lý, điều hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các CTMTQG từ cấp trung ương đến cấp tỉnh đến nay cơ bản được hoàn thành, là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG đã phát huy hiệu quả trong việc đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương.

 

Đặc biệt, công tác huy động nguồn lực đã được chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện chương trình. Theo đó, đối với CTMTQG Xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình khoảng 820.964,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương: 24.167,1 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 91.975 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 96.093 tỷ đồng; vốn tín dụng: 512.450 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp: 39.480 tỷ đồng; cộng đồng và dân cư đóng góp: 56.799 tỷ đồng.

 

Còn đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình khoảng 23.344,234 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương: 21.597,557 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 1.271,522 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: 475,155 tỷ đồng...

 

Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khẳng định, việc triển khai thực hiện CTMTQG trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản đã hoàn thành, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. “Thông qua CTMTQG nguồn lực xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã được huy động vào việc thực hiện các chương trình, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội; làm thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, xã hội” - ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

 

Tăng tính bền vững của chương trình

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hải lưu ý, đối chiếu với yêu cầu đặt ra thì báo cáo của Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng bám sát Nghị quyết 100/2015/QH13 để đánh giá, đối chiếu với thực tế thực hiện, từ đó làm rõ những mục tiêu đạt được, những mục tiêu còn dở dang; cần làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu; tính ổn định, bền vững và thực chất của các chương trình; những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực…

 

Theo ông Nguyễn Đức Hải, đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ của Chương trình chậm được ban hành dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ trong phân bổ, giao kế hoạch vốn tại thời điểm đầu giai đoạn. Chính phủ chưa báo cáo về tiến độ giải ngân, nhu cầu thực tế để thực hiện các danh mục của Chương trình và khả năng huy động nguồn lực để thực hiện cho các năm tiếp theo. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện cơ chế, chính sách liên kết 4 nhà: nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông trong xây dựng nông thôn mới.

 

Phân tích thêm về tồn tại, hạn chế của CTMTQG giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2018 chỉ còn dưới 6%, giảm khoảng 1 - 1,3% so với đầu năm 2018. Mặc dù đây là tín hiệu đáng mừng song cần chú trọng tính bền vững của chương trình khi số hộ tái nghèo bằng khoảng 5% số hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao (22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo); tình trạng tái nghèo đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

 

Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện 2 CTMTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong 2 năm còn lại (2018 – 2019) dựa trên kết quả và hiệu quả thực hiện của 2 chương trình này, đặc biệt quan tâm bổ sung kinh phí cho một số nhiệm vụ cấp bách thuộc lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục - đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 100/2015/QH13 để tiếp tục cụ thể hóa các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tính toán khả năng nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để ưu tiên nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 100/2015/QH13 trong hai năm cuối.

 

Hơn nữa, cần thực hiện đúng nguyên tắc không ban hành văn bản chính sách khi không có nguồn lực bảo đảm, tăng cường khả năng tiếp cận chính sách của nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách nhà ở và hỗ trợ nâng cao đời sống đối với một số đối tượng như người có công với cách mạng đời sống còn thấp, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội…

 

Mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm); Phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 là có khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đảm bảo chất lượng và bền vững.


Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang