Một loại quả quý, giàu giá trị dinh dưỡng
Cung cấp thông tin về giá trị dinh dưỡng của quả vải, BS. Tạ Tùng Duy - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - cho biết, quả vải bao gồm chủ yếu là nước (82%) và carbs (16.5%). Trong 100 gram quả vải thiều tươi có các chất dinh dưỡng: Calo: 66; Carbs: 16.5 gram; Chất đạm: 0.8 gram; Đường: 15.2 gam; Chất béo: 0.4 gam; Chất xơ: 1.3 gram. Quả vải rất giàu vitamin C, và các loại khoáng chất như kali, đồng... Mùa vải thường kéo dài trong hơn một tháng, thường bắt đầu từ giữa tháng 5 tới giữa tháng đến đầu tháng 7. Và từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 là thời điểm chính để thu hoạch trong năm.
Quả vải giàu chất dinh dưỡng nhưng không phải ăn vải nhiều sẽ tốt. Theo BS Duy, đối với người bình thường chỉ nên sử dụng từ 5-10 quả/ngày. Chỉ ăn quả vải đã chín đủ, không ăn vải xanh hoặc nhai, cắn hạt vải khi ăn; không ăn quá nhiều vải cùng một lúc vì dễ bị đau rát lưỡi, sinh nhiệt, "say vải", ngộ độc vải dẫn đến buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt.
Lớp màng trắng của quả vải không chứa bất cứ chất dinh dưỡng nào. Lớp màng này không mang lại tác dụng cho cơ thể hay hạn chế nóng trong.
Nước ép hoa quả thiếu chất xơ và có nhiều đường, năng lượng hơn so với trái cây tươi nguyên chất. Vì vậy, ăn quả tươi sẽ tốt hơn là uống nước ép.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia, muốn mua được vải tươi, ngon, nên chọn những chùm quả có phần cành dẻo và lá còn tươi. Vỏ quả vải có màu sắc đỏ hồng, không có các đốm nâu đen, phần gai trên vỏ của quả nhẵn, nở to chứng tỏ quả đã chín. Quả vải mọng nước, chín là quả khi dùng tay ấn nhẹ thấy quả mềm căng mọng và có độ đàn hồi, có mùi thơm của vải, không bị chảy nước hay có vị chua.
Bác lời đồn ăn vải có thể mắc viêm não Nhật Bản
Cứ đến mùa vải là tin đồn ăn vải có thể bị viêm não Nhật Bản lại xuất hiện. Theo chuyên gia, đây chỉ là tin đồn suy đoán, không có căn cứ khoa học.
"Những suy diễn này bắt nguồn từ sự trùng lặp thời điểm mùa vải và mùa bệnh viêm não Nhật Bản. Mùa vải thường diễn ra vào tháng 6-7 trùng hợp vào tháng cao điểm nguy cơ dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản" - TS.BS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Khoa Côn trùng - Viện Sốt rét Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương lí giải.
“Việc ăn quả vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản” - ông khẳng định.
TS Dũng cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương hệ thần kinh trung ương. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống - nơi virus nhân lên, lưu trữ lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê… và từ đó truyền sang người. Bệnh Viêm não Nhật Bản không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt.
Những đối tượng nên kiêng hoặc hạn chế ăn vải
Quả vải tuy có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng có một số đối tượng nên kiêng hoặc hạn chế ăn loại quả này. Theo bác sĩ Duy khuyến cáo, những người mắc bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn quả vải.
"Trong cùi quả vải thiều có nhiều đường glucoza, nếu ăn nhiều lượng lớn một lúc từ quả vải tươi có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan. Khi lượng đường glucoza tăng đột biến, dễ làm tăng đường huyết nhanh, điều này rất không có lợi cho những người bị đái tháo đường" - bác sĩ Duy nói.
Tiếp đó, những người có cơ địa dị ứng nên hạn chế ăn quả vải. Người đang bị sốt hoặc người nổi nhiều mụn nhọt không nên ăn nhiều vải. Vải là loại quả có tính nóng vì thế khi ăn nhiều vải sẽ gây ra cảm giác nóng nực, khó chịu, nhiệt miệng.
Theo Lao động