Thứ Sáu, 22/11/2024 00:42:08 GMT+7
Lượt xem: 5241

Tin đăng lúc 01-02-2015

Vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững

Xây dựng, đưa vào thực tiễn hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam hiện nay về nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội là mục tiêu lớn nhất của Chương trình hành động Chính phủ đối với Nghị quyết 33-NQ/TW về phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.
Vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững
Ảnh minh họa

Cổng TTĐT Chính phủ khởi đăng loạt bài ghi nhận ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về sự cần thiết cũng như cách thức, thách thức triển khai Chương trình này.

 

"Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” là câu chúc, nói cho đúng hơn là lời nhắc nhở mà người xưa thường nói với nhau mỗi lúc Xuân về, mở đầu cho một năm mới với hy vọng cuộc sống của mỗi con người cũng như của xã hội mỗi ngày một mới hơn, một tốt đẹp hơn. Đó cũng vừa là triết lý vừa là mục tiêu của đời sống.

 

Nhắc lại điều ấy cũng để vận vào Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ ban hành “Chương trình hành động về việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, một văn bản liên quan đến trách nhiệm chỉ đạo của Nhà nước nhằm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy đây không phải là điều gì mới mẻ hay lần đầu tiên được đề cập tới. Bởi cách đây 7 thập kỷ, từ những ngày đầu cách mạng mới thành công, chế độ mới được xác lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến cái nguyên lý “Văn hoá soi đường quốc dân đi”.

 

 

Đọc lại bài phát biểu của người đứng đầu Nhà nước về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ chỉ một ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, đủ thấy cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” và đưa ra một nội dung rất cụ thể: “Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.

 

Và trong một bối cảnh mới thoát khỏi ách thực dân phương Tây cũng như luôn bị rình rập bởi các mối đe doạ truyền thống từ bên ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra nguyên lý xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam... có tinh thần thuần tuý Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ”. Đọc lại những sách báo cũ hay trong ký ức của những người từng sống trong những ngày chế độ dân chủ cộng hoà mới được xác lập đều nhớ đến Cuộc vận động “Đời sống mới” sôi động và vô cùng phong phú bởi những sáng kiến của nhân dân.

 

Cuộc vận động này được dẫn dắt bởi những trí thức tập hợp trong Hội văn hóa Cứu quốc với trách nhiệm xây dựng hệ thống những giá trị được thể hiện bằng những câu khẩu hiệu định hướng hành động cho mọi tầng lớp xã hội thể hiện hàm lượng văn hoá của đời sống mới trên lĩnh vực nghề nghiệp hay trong những không gian xã hội rất cụ thể.

Ví như ở bệnh viện thì người bác sĩ, nhân viên y tế và cả bệnh nhân phải làm gì trong mỗi tình huống cụ thể; ở ngoài chợ thì người mua kẻ bán phải làm gì trong quan hệ giao dịch kinh tế cho đến việc giữ vệ sinh môi trường; ở trường học thì quan hệ giữa thầy và trò cùng phụ huynh học sinh hay người lao công như thế nào... Đáng chú ý nhất là trong công sở treo những khẩu hiệu nhắc nhở công dân phải tôn trọng người cầm quyền nhưng lưu ý cách xưng hô phải bình đẳng, như không xưng con hay chỉ thưa gửi chứ không thưa bẩm khi tiếp xúc với công chức... Chúng ta có thể đọc sự việc này trên các báo đương thời đặc biệt là Tạp chí “Tiên Phong” của Hội văn hoá Cứu quốc.

 

Thời gian diễn ra cuộc vận động này chưa được bao lâu thì chiến tranh đã bùng nổ. Quy luật khắc nghiệt của chiến tranh có thể có những tác động trái chiều, nhưng có thể nói cuộc vận động "Đời sống mới" và xây dựng nền Văn hoá mới đã đặt được những nền móng đầu tiên và góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến kiến quốc, phát huy sức mạnh con người Việt Nam Mới đương đầu với những thử thách của cuộc chiến tranh vệ quốc gian khổ và lâu dài trước khi nó bị tác động tiêu cực bởi những nhân tố mới áp đặt buộc chúng ta xa rời những nguyên lý ban đầu, trong đó có những nhân tố phi văn hoá từ bên ngoài (cả Đông lẫn Tây) xuất hiện cùng với tính phức tạp của hình thành chính trị và chiến tranh mà dân tộc ta phải trải qua nhiều thập kỷ trước khi có điều kiện hoà bình, đổi mới và hội nhập như hiện tại.

 

Tuy nhiên với ba thập kỷ hội nhập, dù đã nỗ lực trên cả lĩnh vực nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện, chúng ta đã không ngừng hoàn thiện mục tiêu “xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, cải cách để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất cũng như thiết chế thượng tầng của công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá... đất nước ta vẫn chưa tạo được một nền móng cũng như định hướng cho nền văn hoá Việt Nam hiện đại theo kịp với xu thế phát triển của đất nước cũng như thời đại.

 

Đánh giá về thực tiễn văn hoá nước nhà vào thời điểm này còn nhiều nhận thức khác nhau về bản chất cũng như mức độ, nhưng điều dễ đồng tình khi thừa nhận sự thiếu “bền vững” của những nhân tố tích cực pha những nguy cơ ngày càng mạnh mẽ bởi những tác động tiêu cực dễ làm suy thoái và mất đi sức sống vốn có của văn hoá dân tộc. Điều đó cũng thể hiện ngay trong tiêu đề của các văn kiện của Trung ương Đảng cũng như của Chính phủ mà chúng ta đang bàn đến.

 

Để bình luận về những văn kiện này, người đọc dễ nhận thấy cái đặc trưng chung là những điều thể hiện trên văn bản thì rất “chuẩn” nhưng khả năng đi vào đời sống lại rất “đáng nghi hoặc”, nhất là với “tầm nhìn” cho mỗi Nghị quyết này không tương xứng với tầm vóc của vấn đề văn hoá (nó hoàn toàn khác với những mục tiêu kinh tế dễ định lượng). Hơn thế nữa, những văn kiện này cũng phải góp phần để bản Hiến pháp 2013 trong đó có những nội dung liên quan rất trực tiếp đến việc tạo ra một môi trường và động lực để văn hoá đóng vai trò quan trọng thể hiện quyền sống, quyền tự do và phát triển của con người.

 

Chắc chắn, những yếu tố của công cuộc phát triển mạnh mẽ về kinh tế trên nền tảng thừa nhận sự tác động của quy luật thị trường, sự cạnh tranh không chỉ trong đời sống kinh tế, sự hội nhập ngày một rộng và sâu với thế giới ngày càng đa dạng và phức tạp, sự phát triển của khoa học công nghệ đặc biệt trên lĩnh vực truyền thông... buộc chúng ta phải “không ngừng đổi mới”, trong khi môi trường và năng lực (trong đó có năng lực quản lý Nhà nước) có theo kịp hay không vẫn là một vấn đề mà những Nghị quyết phải được cụ thể hoá bằng những giải pháp thật cụ thể, thật năng động.

 

Cũng như trên nhiều lĩnh vực khác, cuộc vận động xây dựng và phát triển nền văn hoá và con người Việt Nam cũng cần có những “tiêu chí” chứa đựng trong đó những giá trị vừa mang tính truyền thống nhưng lại vừa phù hợp với sự thay đổi của xã hội hiện đại.

Cách đây 70 năm, đáp lại yêu cầu của những người phụ trách Cuộc vận động “Đời sống mới” là các trí thức như Nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Nhà thơ Cù Huy Cận... xin người đứng đầu Nhà nước đặt những tiêu chí cho Cuộc vận động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những nguyên lý rất cổ điển. Đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trả lời thắc mắc rằng những nguyên lý ấy liệu đã quá cũ liệu có lỗi thời, cổ hủ không, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rằng: "Nếu cơm ăn, nước uống, không khí để thở là cái không bao giờ cũ với đời sống con người thì những nguyên lý trên cũng không bao giờ cũ đối với sự thay đổi của thời đại, chỉ có điều ta phải mang lại cho nó một nội dung mới phù hợp với thời đại mới".

Mục tiêu xây dựng nền văn hoá và con người mới một cách bền vững mà Nghị quyết của Trung ương được Chính phủ thể hiện với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước có lẽ cũng không vượt qua những nguyên lý ấy. Soi vào mẫu hình của các quốc gia hiện đại, tiên tiến về phát triển kinh tế cũng như văn hoá, suy cho cùng cũng không vượt ra ngoài những nguyên lý trên, chỉ có điều cách thể hiện khác nhau đối với từng trình độ phát triển xã hội và những đặc trưng văn hoá của mối quốc gia mà thôi.

Một con người Việt Nam hiện đại của một nền văn hoá Việt Nam hiện đại để đổi mới không ngừng hẳn cũng không năm ngoài những giá trị phổ quát đó.

 

Theo Dương Trung Quốc

                                                                                                                        chinhphu.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang