Trông người ngẫm ta
Ngày 17-8, Song lang - bộ phim về đề tài cải lương ra mắt khán giả, đánh dấu màn chào sân ấn tượng của đạo diễn Việt kiều Leon Lê bởi sự chỉn chu, kỹ lưỡng và giàu cảm xúc. Càng đáng quý hơn, Song lang đang đi ngược dòng chảy của điện ảnh Việt khi các bộ phim hài, phim Việt hóa, phim thanh xuân vườn trường chiếm ưu thế. Leon Lê bày tỏ: “Bộ phim đã được tôi ấp ủ trong một thời gian dài mới có thể ra đời. Nó giống như đứa con bị hắt hủi”. Nhà sản xuất của Song lang - Ngô Thanh Vân cho biết: “Trong bối cảnh thị trường hiện nay, đó là việc làm vô cùng khó khăn, giống như một mình đi ngược dòng suối”.
Cũng về đề tài cải lương, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã chuẩn bị mọi công đoạn để chuẩn bị khai máy bộ phim Gạo chợ nước sông vào tháng 9. Anh chia sẻ: “Chúng ta phải thừa nhận, để làm phim về đề tài văn hóa, lịch sử thuần Việt cần có một thế hệ làm phim thật sự tâm huyết, có nghiên cứu, quá trình thẩm thấu và nhìn ra tầm quan trọng của văn hóa dân tộc. Nói chính xác hơn, chúng ta đang thiếu hẳn một thế hệ có tầm nhìn và sự hiểu biết thật sự sâu sắc về giá trị đó, cũng như xem trọng nó. Tài năng, sự khổ luyện có thể bồi đắp nhưng sự trắc ẩn và tình yêu với văn hóa không thể sở hữu trong một sớm một chiều. Không có đề tài hay hay dở, nhỏ hay lớn, chỉ có tài năng ít hay nhiều và tấm lòng có hay không với sự tự tôn dân tộc, khát vọng định vị mình mà thôi”.
Liên quan đến câu chuyện văn hóa, những ngày qua khán giả Việt đang lên cơn sốt với Diên hy công lược của Trung Quốc. Bỏ qua những yếu tố ăn khách về câu chuyện, dàn diễn viên đẹp và tài năng, phục trang bắt mắt... phim đầy ắp những yếu tố văn hóa Trung Quốc. Nghệ thuật thêu truyền thống, kinh kịch, thư pháp... được đan cài khéo léo và tinh tế. Nhìn sang các nước Á châu, yếu tố văn hóa truyền thống luôn được đặt để ở những vị trí trang trọng. Trung tuần tháng 7, điện ảnh Thái cho ra mắt bộ phim hoạt hình Muay Thái: 9 mảnh ghép thần kỳ, tôn vinh môn võ cổ truyền và tinh thần thượng võ. Điện ảnh Hàn Quốc không quên niềm tự hào với The Admiral: Roaring Currents (Đại thủy chiến), bộ phim dựa trên sự kiện lịch sử có thật, là tác phẩm có lượt người xem cao nhất mọi thời đại ở xứ sở kim chi. Sử thi Baahubali: The Beginning và Baahubali 2: The Conclusion cũng mang đến niềm tự hào cho điện ảnh Ấn Độ, tạo nên cơn sốt trên các phòng vé toàn cầu. Xa hơn, điện ảnh Hollywood với các tác phẩm có hiện đại đến mấy cũng đậm đặc văn hóa Mỹ.
Tất cả những dẫn chứng trên để thấy, dấu ấn văn hóa Việt còn rất nhạt nhòa trong phim Việt. “Thị trường trong nước có phát triển đáng mừng nhưng không ổn định về chất lượng. Đối với quốc tế, điện ảnh Việt Nam đang chậm hơn so với khu vực rất nhiều năm”, đạo diễn Lương Đình Dũng thẳng thắn. Nếu nhìn số lượng khoảng 40-50 phim ra mắt mỗi năm, các phim khai thác đề tài văn hóa Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay: Cô ba Sài Gòn, Dạ cổ hoài lang, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lô tô...
Sự hỗn độn là tất yếu
Lý giải đề tài văn hóa truyền thống, đặc biệt các bộ phim tôn vinh văn hóa Việt là mảnh đất khó với các nhà làm phim, đạo diễn Lương Đình Dũng gọi đó là một vòng luẩn quẩn. Anh lập luận, đề tài văn hóa truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh phí khi ít nhà đầu tư dám mạo hiểm. Ít về số lượng, kén khán giả và chất lượng chưa ổn định nên thực trạng cứ tiếp diễn.
Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, khi điện ảnh thương mại được thoát thai từ một thời kỳ dài của điện ảnh quốc doanh độc quyền, sự hỗn độn là tất yếu. Điện ảnh Việt đang ở thời kỳ quá độ, thị trường thả nổi, trăm hoa đua nở nhưng thiếu một chiến lược điều tiết, cân bằng, dẫn đến quyền điều khiển rơi vào tay những “đại gia” nước ngoài sở hữu số lượng cụm rạp và lũng đoạn suất chiếu. Anh phân tích: “Nhà đầu tư của điện ảnh Việt là ai? Theo tôi có 3 loại hiện hành: Một, là những nhà kinh doanh và phát hành thâm niên trong nước; hai, là các nhà tài phiệt ngoại có kinh nghiệm quốc tế nhảy vào thị trường; ba, là đầu tư vãng lai làm phim bằng tinh thần tài tử, tùy hứng. Cả 3 nhà đầu tư đều có mục đích kinh doanh bán vé kiếm lời hoặc tìm thặng dư về tên tuổi. Họ chỉ có một tư duy tối ưu là tư duy sản xuất sản phẩm đơn thuần. Phim là một thương phẩm nên buộc phải thỏa mãn điều kiện: làm cái gì vốn ít, lời nhiều, an toàn, dễ sản xuất. Họ được quyền nghĩ và làm như thế nên câu hỏi đầu tiên vẫn là làm đề tài ABC có dễ bán vé và thu hồi vốn không?”.
Thực tế, các bộ phim đề tài này vừa khó kêu gọi nhà đầu tư, vừa khó thu hồi vốn. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết, khi thực hiện Song lang, chị lo lắng về doanh thu, bởi khi đã thuyết phục được nhà đầu tư thì phải thu hồi vốn mới mong tái đầu tư dự án tiếp theo. “Mỗi sản phẩm khi ra mắt, chúng tôi đều phải tính toán kỹ lưỡng để hướng đến đúng đối tượng, vừa thỏa mãn đam mê làm phim về văn hóa Việt, vừa cân bằng thị trường”. Chung quan điểm đó, đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định: “Ai đứng ngoài cũng có thể trách các nhà sản xuất phim tại sao không làm về đề tài này. Nhưng khi họ đứng vào vị trí nhà sản xuất, bỏ số tiền mình gom góp nhiều năm với tình trạng khán giả khan hiếm, có khi họ còn không dám làm cái gì. Nhà sản xuất nào đang làm phim về đề tài xã hội kén khách nói chung, tôi thấy họ là người dũng cảm”.
Biết là khó nhưng các nhà làm phim tâm huyết vẫn không chấp nhận bỏ cuộc. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thừa nhận, anh may mắn vì trong quá trình làm nghề vẫn gặp những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng. “Đâu đó trong thế giới xôn xao ngoài kia còn có những nhà đầu tư lắm tiền nhưng trái tim, tâm hồn chưa bao giờ nguội lạnh. Họ vẫn còn trăn trở văn hóa Việt đang ở đâu trong phim ảnh. Họ đặc biệt hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc và nhìn thấy tầm quan trọng của giáo dục qua phim ảnh”. Anh cũng khẳng định, một tác phẩm điện ảnh thương mại lưu trữ được tài sản văn hóa chính là của để dành cho mình, cho con cháu mình sau này. Đó chính là thứ thặng dư không bao giờ mất đi, lũy thừa theo thời gian và vô giá.
Bản thân các nhà sản xuất phim cũng rất ý thức được sự tự thân. “Công tâm mà nói, những nhà đầu tư nước ngoài vẫn có khát vọng và nhiệt thành tạo ra những sản phẩm thuần Việt thật sự nhưng không ai thương lấy mình bằng chính mình đâu. Đến lúc, phải có một chiến lược điều tiết rõ ràng, rành mạch và sự bắt tay chí tình, chí lý của nhà quản lý và những nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khẳng định. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, ngoài việc khuyến khích các nhà làm phim tham gia, nhà nước phải đóng vai trò đầu tàu. Để tránh lãng phí thời gian, mỗi năm chỉ cần nhà nước đầu tư 5 phim, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, lựa chọn những đề tài thuần Việt, ê kíp tốt, có mục tiêu rõ ràng. Sau 5 năm phim Việt sẽ có tiếng nói trên trường quốc tế. Khán giả quốc tế muốn xem cái chất riêng, bao hàm đời sống, con người, văn hóa, lịch sử... chứ không phải là những thứ lai căng, thập cẩm.
|
Theo SGGP