Còn gần nửa tháng mới tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng hiện nay, giá nhiều mặt hàng thực phẩm ở chợ dân sinh đã bắt đầu nhúc nhích tăng 5 – 10%.
Cầm trên tay túi thịt bò khô mới làm, chị Hạnh, tiểu thương chuyên bán thịt bò tại chợ 212, Tân Xuân, Xuân Đỉnh (Hà Nội) đon đả chào mời khách: “Cũng một túi thịt bò khô này, giờ mua thì rẻ chứ càng Tết giá càng lên, ít nhất phải tăng tới 30%”.
Giá tăng 5 – 10% ở chợ
Theo chị Hạnh, đã thành thông lệ, giá thực phẩm bắt đầu tăng mạnh từ 20 tháng Chạp. Vì vậy, năm nay, nhiều khách hàng đã bắt đầu rậm rịch sắm Tết từ bây giờ để tránh bị hét giá, giờ có tăng cũng chỉ tăng nhẹ 5 – 10%.
“Như 29 – 30 Tết năm ngoái, các loại thịt bắp bò giá tăng 20 – 30% so với ngày thường cũng không có mà mua vì đã cháy hàng”, chị Hạnh chia sẻ.
Trong khi đó, chị Loan (chuyên bán thủy sản) cho biết hiện nay, giá các loại thủy sản đang tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng tôm tăng rất cao. Nếu trước đây, tôm sú loại thường chỉ có giá dao động 300.000 – 350.000 đồng, nay tăng lên tới gần 400.000 đồng/kg.
Tại một gian hàng khác, một tiểu thương bán thịt gà bức xúc nói với khách mua: “Đấy là giá chung, thịt gà giờ lên giá rồi chị ơi. Chị cứ chê em bán đắt nhưng càng cận Tết, giá sẽ càng lên cao hơn”.
Giá các mặt hàng gạo (đặc biệt là gạo nếp) cũng tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg tùy loại. Giá các mặt hàng khô như miến, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, hoa quả… tăng 5 – 10%.
Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, việc tăng giá xảy ra ở hầu hết các chợ, một phần vì nhu cầu lớn, hàng khan hiếm nhưng cũng một phần do nhà cung cấp lợi dụng dịp Tết đẩy lên cao.
“Chúng tôi cũng là người phải nhập hàng giá cao hơn ngày thường nên bắt buộc phải nâng giá để không bị lỗ, chứ thực tế người bán hàng cũng không muốn bị khách phàn nàn, hay hàng không bán chạy vì đắt đỏ”, một tiểu thương chia sẻ.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng cam kết không để xảy ra tình trạng găm hàng, sốt giá ảo trong dịp Tết. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã liên tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của các DN.
Nguồn cung vẫn dồi dào
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, ổn định giá các mặt hàng, hạn chế tối đa tình trạng khan hàng, tăng giá, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai hoạt động dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất trị giá 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Đinh Dậu 2017.
Cụ thể, các DN sẽ dự trữ 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng gia cầm… Các DN sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng giò chả, miến, nông sản chế biến đưa ra lượng hàng hóa trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng.
Đối với các mặt hàng thực phẩm, Bộ NN&PTNT dự báo giá có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết, nhưng không có biến động lớn vì nguồn cung tương đối ổn định.
Trong tháng 12/2017, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước biến động tăng phổ biến trong khoảng 27.000 – 35.000 đồng/kg. Dự báo vào thời điểm Tết, giá lợn có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng cao (theo quy luật hàng năm).
Theo Bộ NN&PTNT, thời tiết khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên giá hầu hết các mặt hàng rau củ có xu hướng ổn định hơn tháng trước, nhiều mặt hàng bắt đầu vào vụ nên giá giảm nhẹ như bắp cải, su hào, cam…
Trong thời gian tới, nếu không có biến động lớn về thời tiết thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Đối với ngành nông nghiệp, trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo sản xuất, tình hình sản xuất, cung ứng hàng nông sản trong quý I/2018 không có biến động lớn, đảm bảo nhu cầu dịp Tết”.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khẳng định trong vòng 3 giờ sau khi tiếp nhận các thông tin, báo cáo về việc có biến động cung – cầu, giá cả hàng hóa bất thường qua đường dây nóng, Sở Công Thương sẽ triển khai kịp thời các giải pháp điều tiết thị trường, giá cả, vận chuyển và tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các địa điểm có biến động.
Nguồn Thời báo Kinh doanh