Năm 1999, thủy sản Việt Nam được chính thức xuất khẩu vào EU, lúc đó chỉ có 19 doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện, kim ngạch xuất khẩu đạt 130 triệu USD/năm. Đến nay sau hơn 20 năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đã tăng lên 1,3 tỷ USD mỗi năm.
Để không bị hụt hơi
Tuy vậy, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), không phủ nhận Hiệp định EVFTA sẽ giúp xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng rõ rệt ở thị trường này. Tuy nhiên, EVFTA có 17 chương, chương thuế chỉ là một chương, 16 chương còn lại nêu ra nhiều yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải đáp ứng.
"Các doanh nghiệp thủy sản tự nhủ EVFTA là động lực mới để đưa hàng vào châu Âu nhưng không được "hí hửng". Xuất khẩu thủy sản chỉ vướng 'một xíu' thôi sẽ bị cảnh báo, hậu quả không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà đe dọa tới nguy cơ của cả quốc gia", Phó Tổng thư ký VASEP nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đánh giá Hiệp định EVFTA đem tới cho doanh nghiệp Việt Nam chỉ 40% cơ hội, 60% còn lại là thách thức. Cơ hội nếu không được chuẩn bị sẽ không "hái được trái ngọt", trong khi áp lực là cụ thể.
"So với những nước trong khu vực EVFTA, CPTPP, ngành chăn nuôi của Việt Nam có trình độ kém hơn nhiều nước từ giống, chế biến, nguyên liệu thức ăn... Nói đến chăn nuôi Việt Nam đặc trưng nhất là chăn nuôi nông hộ. Làm sao để hội nhập mà không bỏ rơi những hộ nông dân này", ông Dương nhìn nhận.
"Hồ hởi, hí hửng, hụt hẫng" là cụm từ mà ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đề cập khi nói về các hiệp định FTA. Trước khi Việt Nam ký kết hiệp định không khí rất hồ hởi, hồi hộp nhưng sau đó chỉ một số ít người tìm được cơ hội, còn phần lớn rơi vào tâm trạng hụt hẫng.
Chia sẻ với tâm trạng này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đánh giá, khi tham gia các FTA, nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng mình sẽ thành công lớn nhưng sau đó bị hụt hẫng vì "trái ngọt" không như mình tưởng, do không đủ sức để đi theo con đường đòi hỏi sự cố gắng, bền bỉ lâu dài.
Sức ép thay đổi
Mặt khác, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng thời gian qua, tham gia FTA, Việt Nam vẫn đang mải miết chạy theo chỉ tiêu xuất khẩu và thu hút FDI mà quên tăng nội lực cho mình. Trước khi vào WTO, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu nhưng sau đó đã vươn lên gần 70%, kéo theo đó là tình trạng nhập siêu cũng tăng lên. Nhập siêu chủ yếu là hàng tiêu dùng nội địa cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất, nông dân, chứ không có nhiều máy móc, thiết bị để tái cơ cấu sản xuất. Đây là điều đáng tiếc.
Với Hiệp định EVFTA, bà Lan kỳ vọng bài học từ 12 hiệp định FTA trước đây là kinh nghiệm để Việt Nam làm khác đi, tận dụng được thời cơ từ EVFTA đem lại. "Giờ là lúc doanh nghiệp không làm được theo cách cũ, muốn sống sót và phát triển không có cách gì khác là phải thay đổi. EVFTA đang tạo ra cơ hội để mình thay đổi, nếu không có sức ép nhiều khi chúng ta khó thay đổi", bà nhắn nhủ.
Trong khi đó, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, nhắc lại bài học đầu tiên của ông tại trường Đại học đó là: "xuất khẩu là phương tiện giúp chúng ta có tiền để nhập khẩu, bởi nhập khẩu là đáp ứng nhu cầu của chính mình". Đây cũng là điều mà Việt Nam cần làm khi hội nhập EVFTA.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết khi thực thi EVFTA chắc chắn các doanh nghiệp sẽ gặp muôn vàn vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì và bền bỉ. Cơ quan nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không thể trả lời giúp cho doanh nghiệp làm thế nào để vượt qua.
Về phía Bộ Công Thương, ông Thái cho biết sẽ trình Chính phủ để có một đầu mối duy nhất thông tin về hiệp định EVFTA, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận, giải đáp các khó khăn, vướng mắc.
Còn theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, muốn tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, bản thân mỗi người công chức, cán bộ quản lý cần phải hiểu rõ EVFTA là thế nào. Một khi đã hiểu mới đưa ra những chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, đối với doanh nghiệp, những hỗ trợ của Chính phủ một chút cũng rất quý giá, tiếp thêm một niềm tin, một sức khỏe bền bỉ cho doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu. Vào "sân chơi này" không có sức khoẻ sẽ không lấy được cơ hội vì cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia là rất lớn.
Đại diện VASEP kỳ vọng môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa, tránh phát sinh các thủ tục phiền hà không đáng có như quy định mã số mã vạch hay nước thải... đang làm khó doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Thời báo kinh doanh