Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội lan truyền thông tin về cách phát hiện rau muống có độc tố kim loại nặng, thuốc trừ, thuốc tăng trưởng… rất đơn giản chỉ bằng cách vắt chanh vào nước rau muống.
Một Facebooker dẫn thông tin sưu tầm được cho biết: “Khi vắt chanh vào mà nước rau muống có màu này thì dứt khoát không được ăn vì rau đã bị nhiễm hóa chất cực độc. Một chuyên gia hóa học vừa tiết lộ cách phát hiện rau muống nhiễm hóa chất cực thú vị cho các bà nội trợ. Điều đặc biệt là nó không làm tốn kém thời gian và công sức của chị em chút nào, tất cả chỉ cần 1 giây (sau khi vắt chanh vào nước rau muống luộc) là các mẹ đã biết chính xác rau này có an toàn hay không!”.
Lời sưu tầm của người này đăng tải ghi rõ, cách phát hiện ra rau muống có độc tố như sau: Khi vắt chanh vào nước rau muống luộc, nước rau sẽ chuyển từ màu xanh sang màu đỏ hoặc màu vàng. Lý do trong nước rau muống có chứa một lượng kiềm Ca(OH)2, chất diệp lục phản ứng như chất chỉ thị màu. Trong khi nước chanh chứa lượng axit hữu cơ yếu là axit citric khá cao lên đến 8% khối lượng khô trong quả, nên khi vắt chanh sẽ làm thay đổi độ axit của nước rau. Điều này khiến cho màu của nước rau muống chuyển từ xanh sang vàng hoặc đỏ, tùy theo nồng độ axit. Hiện tượng này là hoàn toàn bình thường.
“Các mẹ lưu ý, với rau muống bị phun thuốc trừ sâu hoặc tăng trưởng, những hóa chất độc hại tồn dư trong thân, lá rau sẽ làm cho nước rau không chuyển màu như trên (nếu có cũng không đáng kể) khi vắt chanh vào”, đoạn status nêu rõ.
Facebooker này còn chia sẻ thêm cách nhận biết rau muống nhiễm hóa chất bằng quan sát. Theo người này, rau muống nhiễm hóa chất thường giòn hơn và lá thường có màu xanh đen (do hấp thụ nhiều kim loại và chủ yếu là chì). Thân rau muống thường to hơn so với mức bình thường. Khi luộc rau, bạn sẽ thấy nước rau còn nóng có màu xanh nhạt, khi để nguội thì thành màu xanh đen, có vẩy đen kết tủa. Rau bị nhiễm độc chì thường có vị chát chứ không ngọt thơm như rau muống sạch.
Không có căn cứ
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa hóa - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) khẳng định, việc vắt chanh vào nước rau muống để xác định có độc tố là nhảm nhí, không có cơ sở khoa học.
Lý giải về việc rau muống chuyển màu khi vắt chanh và có màu vàng hoặc đỏ là do cấu trúc chất sắc tố của rau muống có thể thay đổi màu theo độ axit trong nước. Nếu luộc rau muống với nước máy bình thường là nước trung tính, khi vắt chanh thì môi trường axit sẽ xuống thấp khiến nước rau đổi màu. Việc đổi màu là sắc tố của rau muống tan ra.
Những giống rau muống khác nhau thì sắc tố sẽ khác nhau và màu sắc khi vắt chanh vào cũng khác. Ví dụ, rau muống trắng lá xanh, khi vắt chanh vào thì nước luộc màu sẽ nhạt thành vàng. Rau muống tím khi vắt chanh vào sẽ chuyển sang đỏ.
“Việc vắt chanh mà nước rau không chuyển màu là do sắc tố không đổi màu. Nó không liên quan tới kim loại nặng, thuốc trừ sâu hay thuốc tăng trưởng”, chuyên gia khẳng định.
PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay, rất khó để phát hiện ra rau có tồn dư thuốc trừ sâu hay không. Để giảm nguy cơ có tồn dư thuốc trừ sâu trên rau, đối với người sản xuất phải dùng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Dùng các loại thuốc có thời gian bán hủy ngắn từ 3 - 5 ngày sẽ phân hủy hết khi bán ra. Phải tuân thủ theo đúng khuyến cáo, sau 3 ngày từ khi phun mới được thu hoạch hoặc sau 5 ngày mới thu hoạch tránh ngộ độc cho người tiêu dùng.
“Với người tiêu dùng, sau khi mua rau về thì phải ngâm nước và rửa sạch dưới vòi nước chảy. Ngâm nước muối chỉ giải quyết được yếu tố tâm lý chứ thực sự không hiệu quả như khi rửa dưới vòi nước sạch”, PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định không có chuyện rau muống nhiễm hóa chất thường giòn hơn và lá có màu xanh đen. Kim loại nặng có trong rau muống rất ít và kim loại nặng thường được đưa vào tế bào của rau. Khi hút nước có kim loại nặng thì tế bào của rau có thể bị nhiễm chứ không thể hiện ra bên ngoài.
“Kim loại nặng bị nhiễm vào rau muống đủ để gây hại cho cơ thể người là hiếm. Vì bản thân nếu cây rau muống bị nhiễm kim loại nặng cũng bị chết, khó phát triển”, TS Trần Hồng Côn giải thích.
Nguồn Emdep