Chính phủ quyết liệt
Cũng như mọi năm, VBF là cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp và đại diện các cơ quan Chính phủ xoay quanh các kiến nghị, đề xuất mà VBF đã gửi các bộ ngành trước đó.
Năm nay, 107 vấn đề được lựa chọn gồm cả những vấn đề mới phát sinh trong năm và không ít vấn đề được nhắc lại từ các VBF trước. Các doanh nghiệp kỳ vọng nhận được những giải pháp để có thể an tâm lên kế hoạch kinh doanh dài hạn tiếp theo. Tuy nhiên, sự quyết liệt và cách hành động mới của Chính phủ trong các vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ đẩy kỳ vọng này lên mức cao hơn, thậm chí được chờ đợi là sẽ có những bứt phá trong cách giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bất chấp những biến động với nhiều khó khăn, thách thức của năm 2019, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trên 7% năm thứ hai liên tiếp, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định; quy mô thương mại quốc tế vượt mốc 500 tỷ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc. Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
"Đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước" – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã đặt ra để đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, tác động tích hơn hơn tới nền kinh tế. “Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, chúng tôi mong muốn luôn có sự đồng hành chủ động, tham gia tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Doanh nghiệp hiến kế
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý lớn cho đến thúc đẩy thực thi các giải pháp cụ thể, tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn.
Thực tế, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã thực hiện việc thu thập, nhận diện, phân tích và làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật.
“Chúng tôi đã có báo cáo cụ thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về 25 điểm xung đột, chồng chéo lớn giữa các đạo luật về đầu tư kinh doanh. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để trình Quốc hội tháo gỡ.”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn được nhanh chóng đi vào thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa. Và nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kỳ tích phát triển cao hơn, tốc độ tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt mốc 7-8%/năm.
Với sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp FDI trong thành công chung của nền kinh tế Việt Nam, theo ông Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp FDI cần có trách nhiệm đối với quê hướng thứ 2 là Việt Nam và năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong nước. “Nếu kết nối với các doanh nghiệp trong nước thì tính hiệu quả của doanh nghiệp FDI sẽ tạo gắn kết sâu rễ trong nền kinh tế Việt Nam hơn” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, để tăng cường thu hút các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và tạo nên những bước phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất, cần khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam hiện nay tập trung vào các công ty Việt Nam cung cấp cấu kiện và sản phẩm cho các công ty nước ngoài, thay vì tập trung vào các công ty nước ngoài có cơ sở sản xuất ở Việt Nam. “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam khuyến khích cho các công ty nước ngoài khi họ đạt được tỷ lệ mua sắm trong nước cao, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên hơn. Ngoài ra, cần áp dụng quy trình đơn giản hóa để thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các công ty Việt Nam từ chính quyền trung ương và địa phương”- đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh.
Không chỉ kiến nghị “xóa bỏ” chồng chéo trong quy định pháp luật kinh doanh, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển giao dịch vụ công và tăng phân quyền cấp cho các địa phương, tại Diễn đàn, các doanh nghiệp FDI còn cho rằng, Việt Nam cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bà Amanda Rasmussen – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam- nhìn nhận, nền kinh tế kỹ thuật số là một thành phần chính của cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra tại Việt Nam. Duy trì một nền kinh tế kỹ thuật số mở và tự do là chìa khóa để duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam và phát huy sự đổi mới, bà nói. Do đó, đại diện AmCham bày tỏ sẵn sàng cung cấp chuyên gia khi Việt Nam xây dựng các quy định áp dụng đối với các công nghệ mới nổi lên gần đây như thanh toán điện tử, dịch vụ nội dung kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và thành phố thông minh...
Theo Báo Công Thương