Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:30:02 GMT+7
Lượt xem: 3633

Tin đăng lúc 11-05-2018

Về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua đợt sụt giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm 2018 đến nay. Chỉ số giá chứng khoán cũng đã giảm từ mức cao nhất trong lịch sử (1.200 điểm về sát mốc 1.000 điểm), sau 11 năm mới tái lập.
Về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang lình xình xanh - đỏ

 Trong cuộc trao đổi với phóng viên Hà My dưới đây, bà Tạ Thị Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã nhận định rằng: Năm 2018 vẫn tiếp tục là một năm mà TTCK tiếp tục tăng trưởng cao về quy mô, vốn hóa thị trường có khả năng đạt 100% GDP. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ có điều chỉnh tăng giảm đan xen với tần suất và mức độ cao hơn.

 

PV: Bà có thể cho biết những nguyên nhân diễn biến không tích cực của thị trường chứng khoán trong thời gian qua?

 

Bà Tạ Thị Thanh Bình: Trong thời gian qua, diễn biến thị trường liên tục có những phiên giảm điểm do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới: Mỹ tấn công Syria vào ngày 14/4/2018; FED đã tăng lãi suất cơ bản từ 1,5% lên 1,75% (ngày 1/3), mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, dự báo có thể tăng gấp 4 lần trong năm 2018. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt mốc 3% lần đầu tiên trong 4 năm trở lại đây (vào ngày 24/4)... khiến nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng lo ngại về việc kênh đầu tư chứng khoán trở nên ít sinh lời hơn các kênh đầu tư khác. Đặc biệt, nguy cơ căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu nhiều vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.

 

Thứ hai, từ đầu năm 2018 đến 6/4/2018, TTCK Việt Nam tiếp tục thiết lập các đỉnh ngắn hạn trong khi xu thế TTCK thế giới đã giảm. Kể từ khi thiết lập đỉnh vào tháng 1/2018, đến nay các TTCK lớn đều đã giảm 8 - 9%. Do vậy việc điều chỉnh giảm của TTCK Việt Nam nửa cuối tháng 4 là nằm trong dự báo sẽ xảy ra trong ngắn hạn. Các tổ chức tài chính lớn như Bloomberg, IMF và các công ty chứng khoán lớn đều đưa ra nhận định về khả năng giảm điểm và khuyến nghị nhà đầu tư về xu hướng này.

 

Thứ ba, nhà đầu tư, đặc biệt là khối tự doanh của các công ty chứng khoán đẩy mạnh chốt lời do TTCK Việt Nam đã tăng trưởng cao và được đánh giá là khá đắt so với TTCK các nước trong khu vực. Việc giảm giá mạnh nửa cuối tháng 4, đặc biệt trong các ngày 19/4, 23/4 và 26/4 tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là những ngành tăng nóng nửa cuối 2017 và đầu 2018 thể hiện rõ xu thế này.

 

Thứ tư, nguồn cung hàng gia tăng mạnh trong quý I/2018. Huy động qua phát hành chứng khoán trên thị trường ước đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng, hoạt động đấu giá cổ phần hóa qua 2 Sở GDCK đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng với nhiều đợt đấu giá lớn. Trong thời gian tới, việc IPO của Ngân hàng Techcombank và Vinhomes với giá trị huy động khoảng 44 nghìn tỷ đồng (tương đương 1.922 triệu USD) - lớn nhất từ trước đến nay cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu trên sàn để dành vốn tham gia các đợt chào bán mới này.

 

Thứ năm, nhà đầu tư giữ tâm lý dè dặt, thận trọng, tạm ngừng giải ngân để quan sát thị trường, đặc biệt khi liên tục có các nhận định và khuyến nghị từ phía các định chế tài chính lớn về việc cần quan sát thận trọng trước các diễn biến khó lường từ các vấn đề kinh tế, tài chính, thương mại thế giới.

 

PV: Bà nhìn nhận thế nào về triển vọng của TTCK và mối quan tâm của các nhà đầu tư ngoại?

 

 

 Bà Tạ Thị Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

 

Bà Tạ Thị Thanh Bình: Tình hình TTCK hiện nay được đánh giá là đan xen giữa những thuận lợi, cơ hội tăng trưởng và những rủi ro tiềm ẩn. Nhận định chung cho rằng năm 2018 thị trường vẫn tiếp tục là một năm tăng trưởng cao về quy mô, vốn hóa thị trường có khả năng đạt 100% GDP. Tuy nhiên, thị trường trong năm 2018 khả năng sẽ có điều chỉnh tăng giảm đan xen với tần suất và mức độ cao hơn. Trong ngắn hạn, TTCK thế giới nhiều khả năng tiếp tục xu hướng giảm giá do giới đầu tư tiếp tục gia tăng lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và áp lực lạm phát tại Mỹ (dự báo FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 6). Do đó, với xu thế giảm điểm chung của TTCK thế giới và châu Á, TTCK Việt Nam khả năng tiếp tục diễn biến cùng chiều với xu hướng của TTCK thế giới. Tuy nhiên, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới bởi các nguyên nhân sau:

 

Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc. Tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38%, mức cao nhất so với cùng kỳ 10 năm qua; Xuất khẩu tăng mạnh; Thị trường tài chính - tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VNĐ) có xu hướng giảm. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định, có mức tăng trưởng khá. Dòng vốn của NĐTNN tiếp tục xu hướng vào ròng mặc dù tốc độ có chậm lại. Từ đầu năm 2018 đến ngày 17/4/2018, lượng vào ròng ước đạt 1.145 triệu USD. Hoạt động giao dịch của khối ngoại cũng được đánh giá là tích cực, ngay cả trong những phiên thị trường giảm điểm mạnh. Tính từ đầu năm 2018, tổng khối lượng mua vào của NĐT nước ngoài vẫn cao hơn so với khối lượng bán ra khoảng 23%.

 

Năm 2018 sẽ là năm trọng tâm của cổ phần hóa, thoái vốn, cung cấp hàng hóa chất lượng cao cho thị trường. Theo kế hoạch Chính phủ tiếp tục cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, chiếm tương ứng 50% và 44,6% số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn của giai đoạn 2017-2020 với nhiều tên tuổi lớn như HABECO, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn... dự báo sẽ là một năm cao trào của cổ phần hóa và thoái vốn qua TTCK.

 

PV: Để thị trường phát triển một cách bền vững, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang và sẽ triển khai những biện pháp gì, thưa bà?

 

Bà Tạ Thị Thanh Bình: UBCKNN tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp như: Đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo chương trình đã duyệt. Tăng cường phân tích diễn biến thị trường và những đánh giá tác động từ các tổ chức tài chính chuyên nghiệp để có cái nhìn khách quan về cơ hội và rủi ro tiềm ẩn của thị trường. Theo dõi sát diễn biến dòng vốn ngoại trên TTCK. Kiểm soát, quản lý chặt nguồn tiền tài trợ giao dịch ký quỹ để có các giải pháp phù hợp. Tiếp tục gia tăng hàng hóa cho thị trường theo đúng lộ trình. Tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán. Tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cuối cùng là đẩy mạnh các giải pháp giúp nâng hạng TTCK Việt Nam.

 

PV: Trân trọng cám ơn bà!

 

Hà My thực hiện


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang