PV: Năm 2019 là lần thứ VII Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức tại Bình Định, xin ông cho biết ý nghĩa, quy mô tổ chức và những điểm nổi bật của sự kiện lần này?
Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII năm 2019 được tổ chức tại Bình Định là hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó nổi bật là võ cổ truyền Bình Định, qua đó, giới thiệu đến với bạn bè trong nước và quốc tế về quê hương, đất nước, con người Bình Định. Liên hoan không chỉ giới thiệu về võ cổ truyền Việt Nam nói chung, võ cổ truyền Bình Định nói riêng, mà còn giới thiệu về truyền thống lịch sử, danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái của tỉnh Bình Định, nhằm tạo ấn tượng sâu sắc về miền Đất Võ với du khách và bạn bè trong nước và quốc tế đến dự Liên hoan.
Sự kiện lần này được tổ chức với quy mô hoành tráng, mang đậm màu sắc dân tộc, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm, hiệu quả cao trong nhiều lĩnh vực nhất là công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế của tỉnh; thu hút nhiều người đến xem và cổ vũ, thể hiện lòng mến khách, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, thể hiện nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Bình Định, tạo tâm lý tin tưởng, phấn khởi cho các đoàn về tham dự Liên hoan. Dự kiến có khoảng 1.200 võ sư, võ sinh đến từ 20 đoàn nước ngoài (14 quốc gia) và 65 đoàn trong nước (22 tỉnh, thành) về tham dự Liên hoan.
Sự khác biệt của Liên hoan lần này đó là Giải “Tinh hoa Võ Việt Quốc tế” nằm trong chương trình Liên hoan, thi đấu ở 02 nội dung đối kháng và Hội thi. Các môn phái, võ phái võ cổ truyền trong và ngoài nước biểu diễn những bài võ dị bản đặc trưng của các môn phái, nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy các bài võ dị bản này. Đặc biệt, trước đây, Ban Tổ chức chỉ tập trung giới thiệu giao lưu 06 lò võ tiêu biểu: Phan Thọ, Hồ Sừng (thuộc huyện Tây Sơn); Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ (thuộc thị xã An Nhơn) và Phi Long Vịnh, CLB Chùa Long Phước (thuộc huyện Tuy Phước). Tại Liên hoan, Ban Tổ chức sẽ tạo điều kiện cho tất cả các môn phái có hoạt động phong trào tốt đều được tham gia giao lưu với các đoàn trong nước và quốc tế, qua đó sẽ tự giới thiệu về những nét đặt trưng riêng về môn phái mình. Ban Tổ chức tạo không gian giao lưu này nhằm sau khi bế mạc Liên hoan, các môn phái cũng tự liên hệ và trao đổi chuyên môn lẫn nhau, làm cho các môn phái trong tỉnh với các đoàn võ phái trong nước và quốc tế ngày càng gắn kết hơn.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII
PV: Vậy những hoạt động chính tạo sự khác biệt đó trong Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII - Bình Đinh năm 2019 diễn ra từ ngày 08/8/2019 đến ngày 11/8/2019, với những hoạt động chính như sau:
- Lễ dâng hoa, dâng hương tại Đài Kính Thiên, Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn (Tổ chức vào sáng ngày 08/8/2019).
- Lễ Khai mạc Liên hoan tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn. (Thời gian - địa điểm: 19h30’ ngày 08/8/2019).
- Chương trình giao lưu kết hợp tham quan tại các lò võ, di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch của tỉnh: Tập trung tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn (Thời gian, địa điểm: Từ ngày 09/8/2019 đến ngày 10/8/2019).
- Lễ Bế mạc Liên hoan tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn (Thời gian - địa điểm: 20h ngày 11/8/2019).
- Triển lãm ảnh về hoạt động của các võ đường, võ phái trong nước và trên thế giới tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn (Thời gian - địa điểm: từ ngày 08/8/2019 đến ngày 11/8/2019).
- Đăng cai tổ chức Giải “Tinh hoa Võ Việt quốc tế” lần thứ II: tại Nhà Thi đấu Thể thao tỉnh - Sân vận động Quy Nhơn (Thời gian - địa điểm diễn ra từ ngày 07/8/2019 đến ngày 11/8/2019. Trong đó sẽ khai mạc lúc 19h ngày 07/8/2019 và Bế mạc sáng ngày 11/8/2019).
Các đoàn võ thuật quốc tế diễu hành trong buổi khai mạc Lễ hội Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI
PV: Nhằm lan tỏa và phát triển hơn nữa tinh hoa Võ cổ truyền Bình Định, tỉnh đã có chương trình quy hoạch, đầu tư mở rộng và tạo điều kiện liên kết các môn phái, lò võ trong và ngoài nước sau Liên hoan lần này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Để tinh hoa Võ cổ truyền Bình Định được lan tỏa và phát triển hơn nữa, UBND tỉnh đã có chủ trương triển khai một số nội dung sau:
- Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát huy Võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.
- Đầu tư xây dựng hoàn thiện Trung tâm Võ thuật Cổ truyền Bình Định nhằm đáp ứng công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định và đây là một trong những điểm đến của du khách khi đến với Quy Nhơn – Bình Định.
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp các lò võ tiêu biểu góp phần nâng cao công tác bảo tồn và phục vụ khách tham quan du lịch.
- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
- Tổ chức truyền dạy những bài võ dị bản đặc trưng của các môn phái cho thế hệ kế cận nhằm nâng cao công tác bảo tồn các giá trị tiêu biểu của Võ cổ truyền Bình Định.
- Xây dựng các điểm biểu diễn võ cổ truyền Bình Định để gắn kết với các hoạt du lịch của tỉnh.
- Đẩy mạnh phát triển phong trào tập luyện võ cổ truyền Bình Định trong các trường học phổ thông, trên địa bàn dân cư trong toàn tỉnh.
- Tăng cường công tác giao lưu của võ cổ truyền Bình Định với các môn phái trong và ngoài nước, tham dự các giải thi đấu cấp quốc gia và quốc tế để khẳng định thương hiệu võ cổ truyền Bình Định./.
Văn Thuận (Thực hiện)