Thiêng liêng mảnh đất cội nguồn
Từ nhiều ngày trước, không khí lễ hội đã tràn ngập mọi cung đường hướng về đất Tổ. Ngay từ cửa ngõ thành phố Việt Trì, phố phường đã được chỉnh trang sạch đẹp, cờ, hoa rực rỡ và lực lượng bảo đảm an ninh, hỗ trợ du khách thường xuyên có mặt. Điều này cho thấy tâm huyết, tình cảm của chính quyền và nhân dân địa phương dành cho đồng bào những điều kiện thuận lợi nhất trong ngày hội lớn của toàn dân tộc.
Trong dòng người nườm nượp đổ về khu vực trung tâm lễ hội, bà Nguyễn Thị Hiền (Yên Định, Thanh Hóa) bày tỏ vui mừng trước cảnh quan, không gian khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang. "Năm nay, nhận thấy rõ nhất là đường vào di tích đã được cải tạo, tu bổ hợp lý; bãi đỗ xe được mở rộng và đặc biệt là đường từ điểm đỗ xe lên cổng chính của di tích có các quán dừng chân cho du khách nghỉ ngơi, phù hợp với cảnh quan cùng thiết kế đẹp mắt, gần gũi với văn hóa truyền thống của người Việt" - bà Hiền hồ hởi nói.
Còn ông Lê Ngọc Hiền (Đống Đa, Hà Nội) thì nhận xét: Du khách về trẩy hội tấp nập nhưng không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi và hóa vàng tràn lan. Điều này có thể xuất phát từ công tác tổ chức, quản lý lễ hội nơi đây ngày càng quy củ, chuyên nghiệp và người dân khi về đất Tổ đều ý thức đang trở về với cội nguồn dân tộc, nơi hội tụ của tình máu mủ ruột rà. Dù với nguyên do nào, đây vẫn là điều đặc biệt ý nghĩa cho sự kiện văn hóa lớn của đất nước.
Năm nay, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trùng với thời gian nghỉ cuối tuần, cùng điều kiện thời tiết thuận lợi khiến lượng khách đổ về không gian di sản dự kiến tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 Hồ Đại Dũng cho biết, năm nay, khu di tích tiếp tục được quan tâm, đầu tư để đồng bào về hành hương đất Tổ thêm thoải mái, thuận tiện, đặc biệt trong vấn đề an toàn giao thông. Tiêu biểu như dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang cảnh quan khu vực ngã 5 đền Giếng với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng cho các hạng mục: Cải tạo đường giao thông, chòi nghỉ chân, hệ thống chiếu sáng, cây xanh… Trong đó, các tuyến giao thông liền kề được mở rộng gấp 2 đến 3 lần so với tuyến đường cũ nhằm tránh ùn tắc khi lượng khách đổ về quá lớn.
Cùng với đó, Lễ hội Đền Hùng năm nay tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt “5 không”, gồm: Không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất an toàn thực phẩm. Ban Tổ chức kỳ vọng, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 sẽ trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước.
Tình dân tộc - nghĩa đồng bào
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm được xem là ngày hội lớn của đất nước, bởi đây là thời điểm triệu triệu trái tim hướng về đất Tổ, thành kính tri ân công đức tổ tiên, cùng chiêm nghiệm về sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân qua mấy nghìn năm lịch sử. Đây cũng là cơ hội để mỗi người cảm nhận được quá khứ hào hùng của dân tộc qua khối di sản đồ sộ còn lưu dấu từ thuở hồng hoang. Đó là các nghi thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hát xoan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tục bơi chải, đánh trống đồng, đâm đuống hay các trò chơi dân gian tiêu biểu cho văn hóa của cả một vùng trung du miền núi Phú Thọ…
Giám đốc Ban Quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng Nguyễn Duy Anh cho biết: Giúp đồng bào cảm nhận sâu sắc hơn nền văn hóa từ mảnh đất cội nguồn là các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian hấp dẫn... trải dài suốt thời gian diễn ra lễ hội (từ mùng 1 đến 10 tháng Ba âm lịch). Tiêu biểu, như: Triển lãm hiện vật khảo cổ học về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang, thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, tìm hiểu về truyền thuyết Lang Liêu; Hội hát giao lưu giữa các câu lạc bộ hát xoan; chương trình diễu hành, trình diễn văn hóa đường phố; không gian trò chơi dân gian…
Cũng trong khuôn khổ lễ hội, còn có hội trại văn hóa, hội thi bơi chải và các chương trình biểu diễn, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - hát xoan Phú Thọ, và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống khác. Thanh âm điệu hát xoan vang lên trong khuôn viên các di tích cổ xưa của Phú Thọ, như: Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Kim Đái, đình Hùng Lô, đình An Thái, tiếp tục đi vào lòng người cùng lối trình diễn mộc mạc, hồn nhiên vốn có.
Về với đất Tổ những ngày này, chứng kiến sự gắn kết giữa người với người, sẽ khiến mỗi người dân đất Việt càng thêm thấu hiểu “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, cảm nhận vì sao trong suốt chiều dài lịch sử, lớp lớp người dân sẵn sàng hy sinh tất cả để đất nước trường tồn. Đây chính là sức mạnh, niềm tin mà mỗi người có thể tìm thấy từ mảnh đất cội nguồn dân tộc.
Theo hanoimoi.com.vn