Thứ Năm, 21/11/2024 20:14:58 GMT+7
Lượt xem: 252

Tin đăng lúc 29-04-2024

Về Núa Ngam thăm nghệ nhân của thôn bản

Nương theo mùa lúa trổ đòng ngậy hương cốm sữa, ngược hướng cửa khẩu Tây Trang, chúng tôi về xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nơi đồng bào dân tộc Lào tập trung sinh sống. Cùng các dân tộc Thái, H’Mông, Khơ Mú, Kinh..., cộng đồng dân tộc Lào vừa chăm chỉ lao động sản xuất, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.
Về Núa Ngam thăm nghệ nhân của thôn bản
Nghệ nhân ưu tú Lường Thị May giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Lào

Giữa tháng tư, thời điểm quá thuận lợi cho chúng tôi được “nếm đặc sản” gió Lào khô hanh và nóng rát ở xã vùng cao Núa Ngam. Địa hình đồi dốc, đất đai bạc màu, thời tiết khô hạn cùng tập quán đốt nương lấy đất làm rẫy khiến vùng đất này thêm khô cằn, trơ trụi bởi những mảng đồi trọc thiếu màu xanh che phủ.

 

Theo lời bà con dân bản, từ đầu năm đến giờ, đã nhiều ngày trời không có mưa. Những con suối trơ khấc, ao hồ cạn tận đáy, lại đang mùa trồng ngô, sắn, lúa... khiến nông dân phải đối diện nguy cơ mất mùa do thiếu nước. Cũng vì thời tiết hạn hán như vậy, theo phong tục của dân tộc Lào, người dân sẽ tổ chức Tết té nước (Bun Huột Nặm), làm lễ xin nước mưa của trời và người gánh vác trọng trách thực hiện nghi thức cúng lễ là Nghệ nhân Ưu tú Lường Thị May, ở bản Na Sang I.

 

Dịp chúng tôi đến bản, lúc này bà Lường Thị May đang tất tả cùng hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, người cao tuổi và các nghệ nhân khác trong xã chuẩn bị mọi công đoạn cho Tết té nước. Vận trang phục truyền thống của dân tộc Lào, chân váy thổ cẩm với những hoa văn, họa tiết tinh xảo, đặc trưng, bà Lường Thị May nhanh nhẹn, đôn đáo cùng người dân trong xã lo lắng chu toàn để lễ hội thành công, từ khâu chuẩn bị ống tre dẫn nước đến kết tháp hoa, tết chỉ buộc tay cầu may... đều hết sức tỉ mỉ.

 

Cũng trong dịp này, chúng tôi lại có cơ hội được nghe những câu chuyện về phong tục, văn hóa, tập quán của bà con dân tộc Lào nơi đây. Sinh năm 1956, bà Lường Thị May lớn lên và gắn bó với vùng đất Núa Ngam gần 70 năm. Bà không nhớ tổ tiên, dòng họ mình di cư sang đây từ đời nào, chỉ biết mẹ bà cũng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Đất lành chim đậu, dòng họ Lường chăm chỉ khai hoang, làm ruộng nương, gắn bó với mảnh đất giáp biên này để lập nghiệp, an cư.

 

Là con gái út trong gia đình có chín người con, tình yêu dân ca, dân vũ, văn hóa người Lào trong bà May được bồi đắp và ngấm dần qua lời ru của mẹ trong từng giấc ngủ. Lớn hơn, cô bé May được mẹ truyền dạy những điệu múa truyền thống. Thời gian học tại trường nội trú tỉnh Điện Biên, cô May ngày trẻ dẫn dắt, hướng dẫn các bạn tập múa lăm tơi, lăm vông, múa khăn, bài hát, tham gia giao lưu, biểu diễn văn nghệ. Trưởng thành, giữ cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà May lại tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa văn nghệ của hội, của bản.

 

Năm 1992, bà Lường Thị May đại diện cho tỉnh Lai Châu (khi chưa tách tỉnh) tham gia Liên hoan Hát ru toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Huế và đoạt Huy chương vàng. Cho đến năm 2011, sau khi về hưu, bà May mới có nhiều thời gian để tìm hiểu, sưu tầm các bài dân ca, dân vũ, nghi lễ cúng… theo phong tục của dân tộc mình, chính thức gánh vác trọng trách thực hành nghi lễ cúng Tết té nước. Năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Điện Biên.

 

Có nhiều đóng góp trong lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lào ở Ðiện Biên, đã bước sang tuổi gần 70, nhưng nghệ nhân Lường Thị May vẫn say đắm, duyên dáng trong điệu múa lăm vông mềm mại. Không chỉ dạy dỗ, bảo ban con cái trong nhà cách dệt vải may quần áo, từng lời ăn tiếng nói, các nghi thức trong lễ hội, Nghệ nhân Ưu tú Lường Thị May còn thường xuyên truyền dạy, tập luyện các bài dân ca, các điệu hát ru, hát đối đáp, hát giao duyên, các nghi thức dân gian khác cho thiếu nhi, phụ nữ..., và thậm chí, cả những du khách như chúng tôi, cũng được nghệ nhân dạy múa lăm vông.

 

Là sợi dây kết nối các thế hệ, vừa gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc, nghệ nhân Lường Thị May chia sẻ: Nếu không lưu giữ, bảo tồn thì văn hóa, phong tục tập quán dân tộc mình sẽ mất hết, mà mất văn hóa là mất dân tộc. Vì vậy, phải truyền dạy cho con cháu, thế hệ kế tiếp lưu giữ các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 

Đối với cộng đồng dân tộc Lào ở Điện Biên, Tết té nước là một trong ba lễ hội quan trọng của dân tộc Lào, là nghi lễ quan trọng có ý nghĩa về mặt tinh thần trong cộng đồng. Riêng nghi thức cúng Tết té nước, theo phong tục của dân tộc Lào, phụ nữ hơn 40 tuổi mới bắt đầu được trao truyền.

 

Việc gánh vác trọng trách này được truyền nối trong dòng họ, các thế hệ nối tiếp nhau. Sự nỗ lực, tận tâm, tận lực của cá nhân bà Lường Thị May cùng cộng đồng dân tộc Lào ở xã Núa Ngam trong việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc, nét đẹp văn hóa, đã góp sức để Tết té nước của dân tộc Lào tại xã Núa Ngam được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang