Khu mộ 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50 ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ tập trung và liên tục đánh phá Đồng Lộc với khối lượng bom đạn rất lớn nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi đây hàng vạn người đã dốc hết nhiệt tình, sức lực, trí tuệ của tuổi trẻ cho " những mạch máu luôn chảy về tim ". Hàng nghìn bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, chiến sỹ công binh, dân công, dân quân du kích đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Cụm tượng đài và Tháp chuông ngã ba Đồng Lộc
Nơi đây có một tiểu đội nữ TNXP có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường, thông đường cho xe qua. Tiểu đội gồm có 10 cô gái tuổi đời rất trẻ từ 17 đến 24 thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng. Ngày 24/7/1968 sau nhiều trận bom cày nát đoạn đường, các cô vẫn không rời vị trí. Vừa dứt tiếng bom, các cô lại lao ra dùng cuốc, xẻng san lấp hố bom, vá đường, thông xe. Đến 16 giờ cùng ngày, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, cả 10 cô gái đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình. Tiểu đội 10 nữ TNXP đã anh dũng hy sinh hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông “Hậu phương lớn” với “ Tiền tuyến lớn” góp phần cho Tổ quốc toàn thắng. Tên tuổi 10 cô mãi mãi được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. 10 cô gái TNXP được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng và Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là di tích lịch sử. Nơi đây đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.
Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP toàn quốc tại ngã ba Đồng Lộc
Tôi đứng lặng trước khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP lòng bồi hồi, xúc động. 10 cô gái đã sống, chiến đấu cùng nhau và giờ yên nghỉ bên nhau. Họ là những đóa hoa bất tử. Bên cạnh khu mộ về phía trái có một tấm bia đen, chữ vàng khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng viết ngày 5/7/1995, trong đó có đoạn kết:" Cần gì ư ?- Lời ai hỏi trong chiều / Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu / Ngày bom vùi tóc tai bết đất / Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang / Cho mọc dậy vài cây bồ kết / Hương chia đều trong hư ảo khói nhang". Lời thỉnh cầu sau đó đã trở thành hiện thực. Hai cây bồ kết do anh hùng LLVT Nguyễn Tiến Tuẫn - một trong ba anh hùng của Ngã ba Đồng Lộc - tìm mua và trồng bên mộ các cô gái nay xanh tốt đơm bông, kết trái như sự tri ân của người đang sống dành cho người đã khuất.
Ngã ba Đồng Lộc anh hùng
Ngã ba Đồng Lộc bây giờ tràn ngập màu xanh, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên " tọa độ chết " năm xưa. Nơi đây đã và đang được các cấp, các ngành và địa phương chung tay, góp sức xây dựng. Thật ấn tượng với Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc, nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, phòng trưng bày truyền thống, khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP, khu cụm tượng 10 nữ TNXP ngã ba Đồng Lộc, tháp chuông…Tất cả tạo nên tầm vóc của Khu di tích lịch sử trên mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc anh hùng.
Chưa bao giờ trong đời, tôi cảm nhận đầy đủ nét đẹp và chất anh hùng ca của các ca khúc " Người con gái sông La ", " Cô gái mở đường " hay và lắng đọng như khi được nghe tại chính mảnh đất lịch sử này: " Ơi những cô con gái đang ngày đêm đi mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường ?..." Ngã ba Đồng Lộc một địa chỉ đỏ - một dấu son chói ngời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt và hào hùng của dân tộc. Mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt khách đến nơi đây thắp hương, dâng hoa các anh hùng liệt sỹ, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Ngã ba Đồng Lộc - ngã ba huyền thoại trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng.
Nguyễn Xuân Tư