Nguyên nhân do các thực phẩm nhiễm vi khuẩn Salmonella
Cùng ngày, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông báo về kết quả thử nghiệm mẫu không đạt theo quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, các mẫu thử nghiệm của thịt heo luộc; pate heo; chả lụa; rau sống ăn kèm (hành lá, ngò); nước sốt thịt heo tại cửa hàng bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình đều không đạt quy định theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Cụ thể, tất cả những mẫu vật phẩm đều phát hiện vi khuẩn Salmonella, có thể gây các chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật.
Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn Samonella có khả năng gây bệnh ở cả người và động vật. Loại vi khuẩn này thường gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hoa, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm. Một số chủng Salmonella có thể gây hậu quả nghiêm trọng như thương hàn hoặc nhiễm trùng huyết.
Thực tế tại số 6, đường Nguyễn An Ninh, Phường 7, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cửa hàng bánh mỳ Cô Ba Bến Đình đã đóng cửa. Một người dân cư ngụ gần cửa hàng bánh mỳ này cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi nghe tin nhiều người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ tại cửa hàng Cô Ba Bến Đình. Vì cửa hàng này có từ lâu, rất đông khách, hàng ngày có đến cả nghìn người đến mua. Tôi cũng hay mua bánh ở đây. Sau sự việc này không biết có nên ăn ở ngoài hay không nữa”.
Qua vụ việc này có thể thấy, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng buôn bán kinh doanh thực phẩm ăn sẵn rất khó lường. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, giám sát, kiểm tra, hậu kiểm của các cơ quan chức năng, chủ các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật ATTP; có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc kiểm soát thực phẩm đầu vào, đảm bảo vệ sinh khu chế biến, chế biến và bảo quản thức ăn theo đúng quy định.
Giải pháp phòng tránh nhiễm vi khuẩn Salmonella
Vụ ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Salmonella tại quán bánh mỳ Cô Ba Bến Đình, thành phố Vũng Tàu không phải là vụ việc ngộ độc thực phẩm đầu tiên xảy ra ở trong nước do loại vi khuẩn này gây ra. Để phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Salmonella, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Việc kiểm soát vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm phải bắt đầu từ trang trại, hộ chăn nuôi thông qua kiểm tra, giám sát các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như: Trứng, thịt gia cầm, thịt gia súc và các sản phẩm tươi sống. Salmonella có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách xử lý nhiệt và tránh nhiễm chéo; thực hành vệ sinh tốt.
Phải kiểm tra thú y trước khi giết mổ để giảm nguy cơ các loại thịt nhiễm Salmonella. Quá trình giết mổ phải bảo đảm vệ sinh và ngăn cách các khu vực, tránh sự lây lan của vi khuẩn nhất là lây nhiễm chéo. Khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...
Bên cạnh đó, phải vệ sinh dụng cụ, đảm bảo nguồn nước sạch, có thiết bị phòng chống côn trùng, chuột và bảo đảm vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm là cách phòng ngừa nhiễm Salmonella đơn giản và hiệu quả. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.
Ngoài ra, không ăn thực phẩm tái, gỏi vì khi ăn các thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có Salmonella. Bên cạnh đó, còn có khả năng nhiễm Salmonella từ bàn tay người chế biến thực phẩm nên phải rửa tay thật sạch trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm và lây nhiễm từ dụng cụ nhà bếp như: Dao, thớt...
Nên đun sôi thực phẩm trước khi ăn là biện pháp tốt nhất: Đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Khi đun phải bảo đảm nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt, các thực phẩm phải đun sôi ít nhất 05 phút. Thực phẩm còn lại sau bữa ăn trước, thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh phải được đun lại trước khi ăn.
Đối với thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, không để quá lâu.
Với thức ăn sau khi nấu chín cần ăn ngay. Nếu để lại cần để nguội đồ ăn và nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Minh Ngọc