Trước nhu cầu về điện phục vụ phát triển KT-XH ngày một tăng cao, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tập trung đầu tư nhiều dự án nâng công suất, xây dựng mới các trạm biến áp và đường dây 110 kV trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn khiến một số dự án lưới điện 110 kV đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Những năm qua, tốc độ đô thị hóa tại tỉnh Thanh Hóa diễn ra nhanh chóng, kinh tế tiếp đà tăng trưởng ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ở cả trong và ngoài nước. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng trên địa bàn tỉnh tăng cao, đặc biệt, phụ tải công nghiệp - xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất lọc hóa dầu, luyện kim, hóa chất, xi măng, bao bì… tại khu kinh tế Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia tăng cao đột biến, kéo theo công suất cực đại Pmax của toàn tỉnh trong năm 2018 đạt 689,2 MW, tăng 18,8% so với năm trước đó. Năm 2019, dự báo Pmax của toàn tỉnh sẽ tiếp đà tăng trưởng 12% với công suất cực đại đạt ngưỡng 771,9 MW, điều này đã gây áp lực lớn đối với ngành Điện Thanh Hóa về khả năng cung ứng điện nếu như không được đầu tư, xây dựng thêm các trạm và đường dây 110 kV.
Trước nhu cầu về điện phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa ngày một tăng mạnh, EVNNPC đã phê duyệt và triển khai 02 dự án công trình 110 kV trên địa bàn huyện Tĩnh Gia gồm: Dự án đường dây - TBA 110 kV Tĩnh Gia 2 và dự án đường dây 110 kV đấu nối từ TBA 220 kV Nghi Sơn đến TBA 110 kV Luyện Kim 1 với tổng số vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng. Mục tiêu của hai dự án nhằm đảm bảo nhu cầu tăng trưởng phụ tải, cũng như khả năng liên kết lưới điện, nâng cao độ ổn định và tin cậy cung cấp điện cho lưới điện huyện Tĩnh Gia nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đồng thời, cải thiện khả năng kết nối lưới trung thế 35 kV và 22 kV, qua đó góp phần giảm tổn thất công suất cũng như điện năng trên lưới điện phân phối. Đặc biệt, khi các dự án đi vào hoạt động sẽ cấp điện kịp thời cho phụ tải của Nhà máy Cán thép Nghi Sơn thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn. Trong đó, dự án xây dựng mạch kép từ TBA 220 kV Nghi Sơn đến TBA 110 kV Luyện Kim 1 có tổng chiều dài 7,66 km, gồm 31 vị trí móng cột. Đến nay, đơn vị thi công đã đúc xong móng cột của 22/31 vị trí, dựng cột tại 20/31 vị trí, đồng thời đang tiến hành kéo dây dẫn và chống sét. Ngoài ra, đối với dự án đường dây và TBA 110 kV Tĩnh Gia 2, EVNNPC đã tiến hành xây mới một TBA gồm 2 máy biến áp có tổng công suất 80 MVA. Đồng thời, xây dựng tuyến đường dây 110 kV mạch 2 có tổng chiều dài 14,3 km, 03 lộ xuất tuyến 35 kV có tổng chiều dài khoảng 21,7 km và 04 lộ xuất tuyến 22 kV có tổng chiều dài khoảng 6,9 km.
Dây chuyền 1 của nhà máy Gang thép Nghi Sơn đang chờ điện để vận hành
Theo kế hoạch, dự án đường dây và TBA 110 kV Tĩnh Gia 2 được khởi công từ quý IV/2017 và dự kiến đóng điện vào quý II/2018. Dự án đường dây 110 kV từ TBA 220 kV Nghi Sơn đến TBA 110 kV Luyện Kim 1 khởi công ngày 26/12/2018 và sẽ được đóng điện trước ngày 30/7/2019. Mặc dù dự án đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, thậm chí dự án Tĩnh Gia 2 đã chậm tiến độ hơn một năm, song đến nay, các công trình vẫn "loay hoay" với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của Ban Dự án Phát triển điện lực EVNNPC, phần đường dây 110 kV của dự án Tĩnh Gia 2 có 68 vị trí cột, nhưng đến nay, đơn vị thi công mới đúc móng hoàn chỉnh 61/68 vị trí, dựng cột hoàn chỉnh 51/68 vị trí và chưa thể triển khai kéo dây. Nguyên nhân là trong công tác giải tỏa hành lang tuyến, vẫn còn nhiều hộ dân không đồng ý nhận tiền đền bù. Đơn cử, tại xã Phú Lâm có 55 hộ bị ảnh hưởng dưới hành lang lưới điện đi qua nhưng mới có 45 hộ nhận tiền đền bù. Còn lại 10 hộ kiên quyết không nhận tiền với lý do đơn giá đền bù quá thấp và gây cản trở thi công. Tại dự án đường dây 110 kV (từ TBA 220 kV Nghi Sơn đến TBA 110 kV Luyện Kim 1) vẫn còn một số vị trí móng cột chưa thể thi công và kéo dây do đi qua rừng phòng hộ.
Các dự án chậm tiến độ đã không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các doanh nghiệp và khách hàng thụ hưởng, đồng thời, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Việc chậm tiến độ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác như: Không đảm bảo việc cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; Áp lực lưới điện bị quá tải; Không giảm được tổn thất điện năng và chất lượng điện không đảm bảo…
Ông Trịnh Thế Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Nghi Sơn cho biết: “Đến nay, Công ty chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn 1 của nhà máy, trong đó, dây chuyền 1 sản xuất đúc và cán thép đã hoàn thành việc lắp đặt từ tháng 4/2019 và dây chuyền thứ 2 sẽ hoàn thiện vào đầu tháng 7/2019 với tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.700 lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Do toàn bộ hệ thống dây chuyền đều phải sử dụng bằng điện nên việc cấp điện cho nhà máy là vô cùng quan trọng. Để dây chuyền vận hành ổn định, Công ty đã xây dựng xong một trạm biến áp 110 kV ngay trong khuôn viên nhà máy và chỉ chờ đấu nối với đường dây 110 kV do ngành Điện đầu tư. Nếu dự án chậm tiến độ, thì theo tính toán, doanh nghiệp chúng tôi chịu thiệt hại trên 30 tỷ đồng/tháng”.
Vị trí cột nằm trên một khu đất vườn không thể thi công vì người dân đòi bồi thường cao hơn
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Cao Cường - Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng và Hỗ trợ tái định cư huyện Tĩnh Gia chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia có nhiều dự án của ngành Điện đang được triển khai. Để các dự án được xây dựng đảm bảo đúng tiến độ, đơn vị đã vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể, đối với các dự án đường điện, thời gian từ khi có quyết định chấp thuận chủ trương cho đến thời điểm triển khai công tác giải phóng mặt bằng là rất gấp. Trong khi, công tác chuẩn bị trích đo hiện trạng các khu đất bị thu hồi tại các vị trí móng cột và hành lang tuyến thường mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các loại đất cùng thửa với thửa đất ở nhưng chỉ được công nhận đất vườn. Theo đó, tại huyện Tĩnh Gia, đất vườn được bồi thường bằng giá đất trồng cây lâu năm và bằng 50% giá chênh lệch với đất ở cùng vị trí, tương đương 135.000 đồng/m2. Người dân cho rằng mức giá đền bù quá thấp và không đồng ý cho cho lưới điện đi qua. Do vậy, để các dự án lưới điện 110 kV trên địa bàn được hoàn thành một cách sớm nhất, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, vận động các hộ gia đình ủng hộ chủ trương của ngành Điện và chấp thuận phương án bồi thường. Nếu các hộ dân đã được đối thoại, giải thích rõ mà vẫn không chấp hành quy định, chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có mặt bằng để thi công nhằm đảm bảo tiến độ dự án”.
Việc chậm tiến độ một số công trình 110 kV trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, nhưng chủ yếu vẫn là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Vì vậy, để công trình đảm bảo tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương, khách hàng, doanh nghiệp và người dân nên cùng nhau chia sẻ, tìm cách tháo gỡ và tạo điều kiện để ngành Điện sớm hoàn thành các công trình theo kế hoạch đề ra.
Tuấn Anh