Không chỉ hồ tiêu, các lĩnh vực kinh doanh của DN Việt Nam vẫn còn nhiều điểm thiếu, yếu.
Bài học từ dịch vụ hàng không Singapore
Vừa đi Mỹ gặp khách hàng gần hai tuần trước Tết, tuy nhiên lại có rất nhiều khách hàng liên lạc hỏi tôi có đi Hội nghị gia vị Quốc Tế (ISC) tổ chức ở Kavalam – Ấn Độ vào đầu năm hay không? Tôi suy nghĩ và quyết định có mặt vì ở đó tôi có cơ hội gặp được nhiều khách hàng, hiểu được tình hình kinh doanh và sản xuất của nhiều ngành nông nghiệp trong đó có hồ tiêu. Trong thời gian rất ngắn, tôi đặt khách sạn, vé máy bay và visa, một hôm sau có visa, tôi lên đường đi Ấn Độ.
Chuyến bay transit ở Singapore. Vừa đến sân bay, Singapore Airlines thông báo ghế của tôi đi Kavalam gặp một chút trục trặc, vì có 2 người xác nhận cùng lúc và người kia đã đặt luôn chỗ ngồi cho nên tôi phải đi ghế thường. Họ cung cấp rất nhiều dịch vụ và nói sẽ thuyết phục khách hàng kia để dành ghế lại cho tôi. Vào phòng chờ thương gia đợi chỗ để đi Kavalam, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Singapore thay đổi hàng tháng, chứ không phải hàng năm. Sân bay luôn thay đổi để đẹp hơn, phù hợp hơn và hấp dẫn hành khách. Phòng chờ hiện nay thì có cả người phục vụ như nhà hàng, mang trà và nước đến từng ghế ngồi. Thật tuyệt!
Được biết, Singapore Airlines là Tập đoàn hàng không do Temasek Holdings, 1 Cty sở hữu của Chính phủ Singapore nắm quyền kiểm soát cổ phần, có thể nói đây là 1 DN nhà nước nhưng lại luôn hướng tới dịch vụ chất lượng và đầy sức thuyết phục, khiến khách hàng vô cùng ngạc nhiên. Dường như đây cũng là một yếu tố đã giúp Singapore luôn vượt lên – thay đổi và thay đổi, khác biệt để tốt hơn! Sau khi đợi hơn 1 h đồng hồ, nhân viên của Singapore Airlines đến gặp tôi với tin vui: Ghế của tôi giữ nguyên vì họ thuyết phục được khách bên kia đi sau đó. Với dịch vụ tốt thế này, lần sau chắc chắn tôi sẽ chọn Singapore Airlines.
Tôi nghĩ, bao nhiêu hãng hàng không trên thế giới có dịch vụ quan tâm đến khách hàng tận tình như Singapore Airlines? Và đây liệu có phải là điều mà Vietnam Airlines, hay VietJet Air có thể hướng tới, vươn lên, khi thực thi cổ phần hóa, IPO để trở thành Cty đại chúng?
Hội nghị gia vị quốc tế: Khi chúng ta lép vế…
ISC 2017 là Hội nghị Gia vị quốc tế lần thứ hai được tổ chức tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn có Hội nghị Gia vị thế giới (WSC) đã diễn ra hàng chục năm và được tố chức 2 năm 1 lần, nhưng thực ra không có gì đặc biệt lắm. Có lẽ vì thế nên 1 nhóm các DN hàng đầu trong ngành gia vị đã quyết định làm một cái gì tốt hơn, hấp dẫn hơn. Sự cạnh tranh mới bắt đầu nhưng khá quyết liệt, ISC được tổ chức mỗi năm một lần, nội dung tốt hơn nên nhiều khách hàng quốc tế đã lựa chọn ISC làm điểm đến.
Cũng như nhiều hội nghị khác, ISC được một số Cty tài trợ. Đặc biệt, họ làm khá bài bản và họ mời được các Cty có uy tín trên thế giới. Hội nghị có rất nhiều chủ đề. Tôi ấn tượng với cách ban tổ chức làm trong từng chi tiết. Chẳng hạn khi nói đến tiêu trên thế giới, họ có video rất hay mà họ đến Việt Nam quay thực tế các vùng trồng chính. ISC lần này còn mổ xẻ cả vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm tiêu, điều mà ngành gia vị Việt Nam vẫn đang loay hoay chưa tháo gỡ được.
Hơn nữa, tôi nhận thấy một điều: Chúng ta đặc biệt thiếu một đội ngũ doanh nhân thành thạo kinh doanh cũng như ngoại ngữ – chúng ta không thiếu những người kinh doanh tốt nhưng khi cần ra phát biểu ở hội nghị thế giới vẫn có thể trao đổi một cách rành mạch và rõ ràng. Ở chủ đề về hạt tiêu, DN các nước khác có các đại diện từ Ấn Độ, Hà Lan và Indonesia – tuy nhiên không có Việt Nam. Nhìn vào các Hiệp hội của chúng ta, rất ít doanh nhân biết tiếng Anh. Đi họp thì chúng ta chỉ ngồi vì không có ai phiên dịch tiếng Việt, chúng ta không thể nói hay can thiệp.
Nhìn qua Indonesia, sản lượng, kim ngạch về tiêu của họ đều nhỏ hơn VN, nhưng Hiệp hội của họ bám sát diễn biến ngành hàng và các thành viên đều biết tiếng Anh, chính vì thế họ đấu tranh rất tốt cho ngành hàng của họ… Đấy là sự lép vế của DN Việt. Nếu DN không tham gia hội nghị ở khía cạnh Hiệp hội ngành hàng, sẽ mất cơ hội có tiếng nói về ngành của cả một quốc gia.
Ở cương vị đại biểu tham dự hội nghị ISC, tôi có dịp trò chuyện với đại diện có tiếng nói chủ trì trên diễn đàn và giải thích về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu. Giải thích rõ với cộng đồng quốc tế cũng là một cách để họ hiểu và lấy lại niềm tin. Nhưng một tiếng nói vẫn yếu hơn sự đồng lòng và đại diện cho cả một ngành.
Hội nghị gia vị quốc tế đã diễn ra khá thành công. Mọi khách hàng đều chia sẻ chung là họ sẽ tiếp tục có mặt ở các kì hội nghị này, thay cho WSC. Điều đó một lần nữa khiến tôi lại nghĩ về Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều các ngành nông sản đứng hàng đầu thế giới về sản lượng, chúng ta hoàn toàn có thể tố chức được những Hội nghị quốc tế chất lượng như vậy. Để tổ chức được, tất nhiên, chúng ta phải tham dự nhiều, trao đổi sâu… Mà để được vậy, hy vọng ở các Hiệp hội ngành của cộng đồng kinh doanh Việt, đều có các ủy viên lãnh đạo trước hết là những người có kinh nghiệm và các đại diện biết ngoại ngữ.
Nguồn Enternews