Khi được hỏi vì sao sản phẩm nông sản sạch hay nông sản hữu cơ của nhà sản xuất vẫn khó vào hệ thống siêu thị, với nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu chuối và các loại nông sản sạch, ông Võ Quan Huy, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình, cho rằng những ai không liên kết được thì không thể đặt chân vào "sân chơi" này.
Còn yếu liên kết
"Chẳng hạn, người mua trứng gà muốn ngày nào cũng có, hoặc muốn mua chuối hay thịt bò ngày nào họ cũng muốn có, nên nếu làm nông sản lẻ tẻ thì khó mà vào siêu thị được. Vì thế, "sân chơi" này không phải dành cho những nhà sản xuất riêng lẻ mà phải liên kết lại mới làm được", ông Huy nói rõ.
Một số liệu thống kê được Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đưa ra tại Hội thảo "Nông sản hữu cơ, nông sản sạch: Liên kết giữa sản xuất và phân phối bán lẻ" diễn ra ở Tp.HCM ngày 9/8 cho thấy có đến 85% các loại nông sản ở Việt Nam được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường…); 15% còn lại là qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…). Điều này cho thấy tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ hàng hóa chung hoặc hàng phi thực phẩm do yếu tố rủi ro về an toàn.
Mặc dù vậy, con số trên được cho là đang dần thay đổi nghiêng về phía các định dạng bán lẻ hiện đại. Nhưng chiều hướng thay đổi này nhanh hay chậm thì nông sản sạch hay nông sản hữu cơ vẫn gặp nhiều thách thức lớn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Ts. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR, nhận định sản xuất và tiêu dùng với riêng sản phẩm nông sản hữu cơ vẫn còn khá khiêm tốn. Và điều mong mỏi là với vai trò của mình, các nhà bán lẻ sẽ là cầu nối thực sự hữu hiệu để các sản phẩm nông sản hữu cơ đến với người tiêu dùng.
Theo bà Loan, gần đây, nhiều nhà bán lẻ hàng đầu như Saigon Co.op, Big C, Vinmart, AEON, Satra Food… nhắm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ (organic). Mặc dù người tiêu dùng có thêm nhiều kênh tiếp cận các loại nông sản sạch, nông sản hữu cơ nhưng mạng lưới bán lẻ các sản phẩm sạch này vẫn chưa rộng, chưa nhiều.
"Để đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng là cả con đường gian nan, trắc trở. Và chúng ta sẽ còn phải xem xét nhiều mặt khó khăn vướng mắc trong việc liên kết sản xuất tiêu dùng. Cần đặt câu hỏi tại sao thời gian vừa qua, chúng ta làm chưa thành công, chưa hiệu quả?", Chủ tịch AVR đặt vấn đề.
Khắc phục "khủng hoảng lòng tin"
Về phía nhà sản xuất, điểm yếu thường trực là quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Điều quan trọng là họ cần tuân thủ bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ (có hiệu lực từ 29/12/2017).
Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất không nắm được công nghệ sản xuất an toàn, không chủ động được truyền thông thị trường. Đáng lo hơn, như chia sẻ của bà Loan, là còn thiếu liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Họ còn phụ thuộc thương lái tự do và DN bao tiêu. Ngay như năng lực cạnh tranh thị trường cũng yếu từ mẫu mã cho đến bao bì.
"Người tiêu dùng thì không tin nhà bán lẻ, nhà sản xuất. Các nhà sản xuất thì không tin vào người tiêu dùng vì cho rằng người tiêu dùng chẳng có đủ tiền hoặc không có mong muốn tiêu dùng nông sản sạch hay nông sản hữu cơ giá vốn cao hơn bình thường. Nhà sản xuất cũng nghi ngờ nhà bán lẻ "buôn nước bọt ăn chặn cả hai đầu". Cho nên dẫn đến tình trạng tạm gọi là "khủng hoảng lòng tin" trong tiêu thụ nông sản sạch, nông sản hữu cơ", bà Loan bộc bạch.
Đây là vấn đề đáng lo khi thiếu lòng tin vào nhau, không có sự tin tưởng vào các nhà sản xuất làm ăn nghiêm chỉnh và cũng không tin tưởng vào các nhà bán lẻ vì trách nhiệm với người tiêu dùng. Điều này nếu không khắc phục thì dễ dẫn đến việc tiêu thụ nông sản sạch hay nông sản hữu cơ sẽ khó phát triển tốt hơn.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, giá trị tổng thị trường hữu cơ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM ước đạt 400 tỷ đồng/năm. Giới chuyên gia cho rằng đối với người nông dân thì đây có thể là con số lớn nhưng thực ra vẫn khá nhỏ bé so với sức mua của người tiêu dùng hiện nay.
Có một nghịch lý được ông Hoàng Sơn Công (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam) chỉ rõ là rất nhiều DN nước ngoài đang đưa tỷ lệ sản phẩm thực phẩm hữu cơ vào Việt Nam tiêu thụ rất cao so với nguồn cung ứng trong nước. Do đó, đặt ra vấn đề là liệu người Việt có khả năng tạo ra sản phẩm hữu cơ tự cung cấp trong nước hay không, hay sẽ nhường "sân" cho sản phẩm hữu cơ của nước ngoài, bởi điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn.
Cũng theo ông Công, ngoài hệ thống siêu thị và đại siêu thị, đang có mô hình hợp tác xã liên kết với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Mô hình này cũng đang phát triển tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp.HCM. Nhưng đặc biệt là sản phẩm hữu cơ dường như chưa đến được với các chợ truyền thống hoặc các cửa hàng bán lẻ mà ở đó giá thành và truy xuất nguồn gốc là nguyên nhân chính.
Theo Thời báo kinh doanh