Thứ Bẩy, 23/11/2024 22:54:52 GMT+7
Lượt xem: 1023

Tin đăng lúc 24-10-2021

Vì sao phải tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, Nhà nước đã có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, hàng năm, vẫn có hàng chục ca ngộ độc rượu cồn công nghiệp (Methanol), rượu không rõ nguồn gốc. Việc tăng cường kiểm soát đối với loại hình sản xuất, kinh doanh này là cần thiết,nhằm ngăn chặn những rủi ro cho người tiêu dùng khi mua và sử dụng rượu.
 Vì sao phải tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc
Rượu không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng (Ảnh minh họa)

Quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu

 

Đối với quản lý sản phẩm rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2017.

 

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

 

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn, bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã.

 

Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

 

Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

 

Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.

 

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

 

Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

 

Rượu không rõ nguồn gốc gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng

 

Theo thống kê, Việt Nam tiêu thụ khoảng 70 – 80 triệu lít rượu trên năm. Bên cạnh những loại rượu được đăng ký, công bố, cấp phép lưu hành vẫn còn một lượng không nhỏ rượu được nấu thủ công trong nhân dân, chưa qua công bố. Đó còn chưa kể đến một số đối tượng còn dùng cồn công nghiệp(Methanol) để pha chế bán ra thị trường.

 

Việc sử dụng nhiều, sử dụng thường xuyên những sản phẩm rượu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Hàng năm các bệnh viện tại Hà nội như Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc rượu. Đơn cử, từ đầu tháng 7-2020 đến đầu tháng 8-2020, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc methanol. Điều đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân là nam giới, có tiền sử nghiện rượu, uống rượu nhiều năm và thường uống rượu không rõ nguồn gốc. Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang và được đưa đến bệnh viện trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ hoặc hôn mê, toan chuyển hóa nặng, xét nghiệm thấy nồng độ methanol trong máu cao. Thậm chí, có trường hợp lên tới gần 200 mg/dL (vượt xa nồng độ gây ngộ độc nặng).

 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Ngoài ra, khi uống rượu pha cồn công nghiệp, methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao, nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL và bệnh nhân đã tử vong. Không ít bệnh nhân thoát chết, nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, chảy máu não…

 

Không chỉ ở Hà Nội mà còn nhiều tỉnh thành khác trên cả nước sảy ra tình trạng ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc. Mới đây, đầu tháng 10/2021 vừa qua, một số bệnh viện tại Thành  phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc rượu. Trong đó có ít nhất 6 ca tử vong.

 

Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu đã có những quy định cụ thể, tuy nhiên hành vi sản xuất, kinh doanh rượu cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc vẫn có chỗ chui lủi. Hành vi này không chỉ gây thất thu thuế cho nhà nước mà con làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát hơn nữa để chặn đứng những hành vi sản xuất, kinh doanh rượu cồn công nghiệp, rượu nêu trên. Đồng thời người tiêu dùng cũng nên chánh lạm dụng rượu, không mua và sử dụng rượu rượu không rõ nguồn gốc.

 

Văn Linh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang