Thứ Năm, 21/11/2024 20:04:04 GMT+7
Lượt xem: 1053

Tin đăng lúc 14-07-2024

Vì sao sầu riêng đắt nhất Việt Nam rớt giá mạnh?

Black Thorn - sầu riêng đắt nhất Việt Nam nếu năm ngoái có giá bán tại vườn là 2 triệu đồng một trái khoảng 4 kg thì năm nay giảm 40%, còn 1,2 triệu đồng.
Vì sao sầu riêng đắt nhất Việt Nam rớt giá mạnh?
Nguồn cung tăng, giá sầu riêng Black Thorn giảm mạnh

Nguồn cung tăng, giá sầu riêng Black Thorn giảm mạnh

 

Black Thorn, hay còn gọi là sầu riêng gai đen - giống nổi tiếng của Malaysia - đã được trồng tại miền Tây và Tây Nguyên. Từ khi có hàng thương phẩm đến nay, loại sầu riêng này luôn là mặt hàng có giá đắt đỏ nhất Việt Nam. Năm nay, giá của chúng cao gấp 2-3 lần so với Musang King và Monthong, nhưng so với năm ngoái đã giảm mạnh.

 

Một nông dân ở Bến Tre có 20 cây sầu riêng Black Thorn, cho biết năm nay thu hoạch hơn 3 tấn trái. Hiện giá bán tại vườn là 300.000 đồng một kg. Mức này theo họ đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ cho biết, năm ngoái, họ bán trái 4 kg có giá 2 triệu đồng, nay còn 1,2 triệu, đây là năm thứ ba họ thu hoạch loại này.

 

Sở hữu vườn có 15 cây sầu riêng gai đen ở Tiền Giang, một nông dân ở đây cũng cho biết họ thu về gần nửa tỷ đồng từ trái cây này. Ngoài các nhà vườn lớn, tại Bến Tre còn có hàng chục hộ trồng giống này. Hầu hết hộ trồng cho biết giá thu mua năm nay thấp hơn so với cùng kỳ.

 

Giá bán lẻ Black Thorn tại các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh cũng đi xuống mạnh, dao động 350.000-450.000 đồng một kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Một đầu mối thu mua sầu riêng ở miền Tây cho biết nguyên nhân khiến giá giảm mạnh so với cùng kỳ 2023 là do nguồn cung năm nay tăng nhiều.

 

Theo họ, năm ngoái, người tiêu dùng tò mò về giống mới trong khi nguồn cung ít nên giá tăng cao. Nay sản lượng dồi dào, cộng thêm hàng Ri 6, Monthong vào vụ nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, họ cho biết sầu riêng này có chất lượng vượt trội, sản lượng tốt và nếu bán trái vụ giá vẫn sẽ được duy trì ở mức cao.

 

Tại Cần Thơ, Gia Lai, Bến Tre và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhà vườn vẫn đang trồng thử nghiệm loại này với diện tích nhỏ, mỗi vườn khoảng 10-20 cây. Chưa có hộ nào trồng với diện tích lớn nên số lượng bán ra thị trường vẫn còn hạn chế.

 

Black Thorn được các nhà vườn Việt Nam đánh giá là có chất lượng múi ngang hàng nhập từ Malaysia. Chúng cho sản lượng vượt trội hơn Musang King và Monthong. Mỗi quả Black Thorn thường có trọng lượng từ 1,5-4,5 kg, 4-5 hộc múi. Cây trồng 3 năm đã cho quả đầu tiên và kết quả khoảng 150 ngày có thể thu hoạch.

 

Đặc điểm của loại sầu riêng này là có thể cắt lúc già hoặc để chín tự nhiên mà vẫn không bị sượng. Vỏ chúng mỏng hơn nhiều loại khác, gai trên vỏ nhỏ, có màu sẫm nên nhiều người còn gọi là sầu riêng gai đen.

 

Ồ ạt trồng sầu riêng, lo ngại tình trạng cung vượt cầu

 

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Đắk Lắk, tính đến tháng 6/2024, tỉnh này có gần 33.000ha trồng sầu riêng, tăng gần 10.000ha so với năm 2022. Con số này đã vượt xa kế hoạch ban đầu và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Tình trạng cung vượt cầu và sự sụt giảm của thị trường đang gây ra nhiều lo ngại. Việc trồng sầu riêng không có kế hoạch và quy hoạch sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quản lý chất lượng, làm cho sản phẩm khó đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và có nguy cơ phá vỡ ngành hàng.

 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để đạt được mã vùng trồng, diện tích tối thiểu phải là 10ha, sản xuất phải theo hướng chứng nhận và cần có sự liên kết, ghi chép nhật ký nông hộ... Với quy mô nhỏ lẻ và diện tích manh mún, lại phân bố rải rác thì rất khó để đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Việc áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề như kiểm dịch, quản lý chất lượng, sử dụng hoá chất trong nông nghiệp và thu hoạch đều rất phức tạp.

 

Theo Trung tâm Khuyến nông Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc trồng sầu riêng không theo kế hoạch sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các vùng sản xuất nông sản khác như Thái Lan, Philippines.

 

Người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những rủi ro tài chính và phải dùng đến các biện pháp kêu gọi giải cứu nông sản. “Điệp khúc trồng-chặt, chặt-trồng liên tục lặp đi lặp lại theo kiểu 'thấy người ăn khoai mình vác mai đi đào' ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng”, ông chia sẻ.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các địa phương nên lập kế hoạch phát triển sản xuất sầu riêng theo vùng tập trung, tránh mở rộng diện tích ở những vùng có thổ nhưỡng không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh, những vùng chưa có đê bao khép kín hoặc đê bao không đảm bảo, gây ngập lụt trong mùa mưa và xâm nhập mặn trong mùa khô tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang