Riêng trong năm 2024, năm nền kinh tế mới nổi chủ chốt của khu vực gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippines (thường được gọi chung là ASEAN-5) đã ghi nhận mức thâm hụt tài khoản vãng lai ròng vượt quá 4 tỷ USD. Đây là một bước ngoặt mang tính cấu trúc, khác biệt so với gần một thập kỷ trước khi khu vực này liên tục đón nhận dòng vốn đổ vào.
Từ năm 2017, dữ liệu cán cân thanh toán của các ngân hàng trung ương và báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy ASEAN-5 đã chứng kiến sự suy giảm liên tục trong dòng vốn đầu tư gián tiếp. Cùng lúc, các thặng dư tài khoản vãng lai vốn từng vững mạnh bắt đầu xói mòn sau đại dịch COVID-19, khiến các nền kinh tế dễ tổn thương hơn trước áp lực thanh khoản, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách thương mại gián đoạn của chính quyền Trump trước đây.
Trong bài viết trên Nikkei Asia, ông Dai Kadomae, chuyên gia trong lĩnh vực M&A xuyên biên giới và thị trường vốn nhận định, một trong những nguyên nhân chính là sự thay đổi mang tính cấu trúc trong dòng vốn.
Cụ thể, từ năm 2016 đến 2019, ASEAN-5 ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai trung bình hàng năm khoảng 32 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đại dịch, con số này giảm rõ rệt, từ hơn 40 tỷ USD vào năm 2017 xuống mức thâm hụt hơn 4 tỷ USD vào năm 2024.
Chuyên gia Dai Kadomae cũng chỉ ra, đầu tư gián tiếp cũng đang giảm kéo dài, với dòng vốn rút ròng tăng nhanh kể từ năm 2020, phản ánh xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu và tâm lý phòng thủ kéo dài trong giới đầu tư quốc tế.
Xét chi tiết hơn tài khoản vãng lai của các nước ASEAN-5, Thái Lan và Malaysia là hai nước dẫn đầu về dòng vốn rút ròng, trong khi Indonesia và Việt Nam tiếp tục thu hút vốn ngoại đáng kể.
Ngược lại, Singapore, tuy không nằm trong nhóm ASEAN-5, giữ vai trò riêng biệt với tư cách là trung tâm tài chính, thương mại, R&D và chất xám lâu đời của khu vực. Quốc đảo này liên tục ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng tăng và dòng FDI vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Singapore cũng chứng kiến dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra nhanh chóng.
Trên thực tế, trong 12 tháng qua, biến động tỷ giá hối đoái đặc biệt lớn tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia cho thấy thị trường đang nhạy cảm với dòng vốn chảy ra và bối cảnh tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt.
Đồng thời, thanh khoản thị trường đang suy giảm khi các nhà đầu tư tổ chức thu hẹp mức độ tiếp cận với ASEAN, làm gia tăng rào cản tài chính, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc vào tín dụng bên ngoài hoặc nguồn vốn huy động qua IPO.
Để đảo ngược tình thế, ông Kadomae cho rằng, ASEAN cần đẩy nhanh tái cấu trúc để phát triển thị trường vốn sâu rộng hơn. Các nhà lãnh đạo khu vực nên ưu tiên bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin, đơn giản hoá quy trình niêm yết và nâng cao năng lực quản trị tài chính, đặc biệt bằng cách bổ nhiệm các CFO dày dạn kinh nghiệm có khả năng kết nối với cộng đồng đầu tư quốc tế.
"Việc liên kết các thị trường vốn phân mảnh trong khu vực thông qua các sáng kiến như ASEAN Exchanges, một sự hợp tác giữa các sở giao dịch chứng khoán có thể khơi lại sự quan tâm của nhà đầu tư", chuyên gia này nói.
Chẳng hạn, ASEAN Trading Link nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các sàn giao dịch quy mô nhỏ trong khối. Tuy vậy, khả năng ASEAN vượt qua các khác biệt về pháp lý và quản trị vẫn còn là dấu hỏi.
Dù vậy, tiềm năng dài hạn trong thu hút FDI vẫn là điểm sáng. Các hoạt động M&A xuyên biên giới có tính chiến lược từ Nhật Bản, Mỹ và EU vẫn đang diễn ra, đặc biệt trong các lĩnh vực logistics, hàng tiêu dùng và công nghệ tài chính.
Hiện nay, giới quan sát đồng thuận rằng ASEAN không còn là nơi thụ động tiếp nhận vốn đầu tư toàn cầu. Khi các nền kinh tế ASEAN ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc khôi phục niềm tin nhà đầu tư và phát triển thị trường vốn năng động là hai mặt của cùng một vấn đề.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, ASEAN cần cải thiện quản trị doanh nghiệp, hạ tầng thị trường vốn và có các chính sách phối hợp hiệu quả dưới sự dẫn dắt mạnh mẽ của khu vực.
Theo diendandoanhnghiep.vn