Tuy nhiên, sử dụng điện thoại, máy tính quá lâu khiến trẻ nhỏ dễ bị giảm thị lực, cong vẹo cột sống. Bên cạnh đó, hình ảnh bạo lực, phản cảm trong các trò chơi tác động không nhỏ đến tâm lý non nớt của các em.
Nhằm giúp con cái giãn thời gian sa đà với máy tính, điện thoại di động, không ít gia đình ghi tên cho con em tham gia trại hè ngắn hạn. Mấy năm gần đây, những khóa học kiểu này nở rộ, song không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả như mong muốn. Không ít khóa học bị dư luận phàn nàn chẳng khác đi tua du lịch. Hà Nội ngày càng chú trọng xây dựng công trình phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Mỗi gia đình tùy điều kiện hoàn cảnh mà sắp xếp thời gian rong chơi, dã ngoại tại địa điểm du lịch sinh thái ở Ba Vì, Quốc Oai, Sơn Tây, Hoài Đức... Rồi hàng loạt trung tâm thương mại lớn nhỏ kết hợp kinh doanh, giải trí xuất hiện ở hầu khắp quận, huyện, cha mẹ có thể đưa con cái tới vui chơi, xem phim, thưởng thức ẩm thực.
Thú chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều người mà còn thu hút đông đảo trẻ em bây giờ yêu thích, đó là thả diều. Cánh diều rực rỡ sắc mầu vi vút trên nền trời cao bay bổng như nâng đỡ giấc mơ con trẻ lên tận tầng mây. Những buổi chiều hè nhạt nắng, gió thổi lồng lộng trên triền đê dọc sông Hồng, sông Đáy, giữa khung cảnh làng quê thanh bình, êm ả, nhìn thấp thoáng cánh diều chao liệng mà tâm hồn nhẹ nhõm. Trong nội thành, lác đác xuất hiện vài khu dân cư trẻ em chơi diều tại khoảnh sân bãi rộng rãi, thoáng đãng bên hồ. Không gian đô thị không còn nhiều, địa điểm vui chơi của trẻ em eo hẹp, vì thế thú vui thả diều có phần mai một. Chỉ ngại nỗi lo dây diều vướng víu lưới điện hoặc trẻ nhỏ vấp ngã do mải thả diều.
Có một vùng quê gắn bó mật thiết với thú chơi truyền thống lâu đời này, đó là thôn Bá Giang, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Người dân làng thường náo nức mở hội thi thả diều vào dịp tháng 3 âm lịch hằng năm. Nghe kể lại, ngày hội thả diều nơi đây khởi nguồn từ tục thờ danh nhân Nguyễn Cả, nguyên là tướng giỏi thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Cuối đời, ông về quê mở mang cơ nghiệp, dạy dân trồng trọt, bày những trò vui tao nhã, trong đó có thả diều cùng đám trẻ mục đồng. Khi ông mất, nhân dân lập miếu thờ, rồi hằng năm mở hội thả diều nhằm tưởng nhớ công trạng của ông.
Để làm ra chiếc diều sặc sỡ, người dân làng Bá Giang vất vả, tỉ mỉ chọn tre, mua giấy, khoét sáo, chuốt dây... Ngày xưa, dây diều làm bằng tre bánh tẻ chuốt đều, nối dài, cuộn lại ngâm nước quả chuối hột và muối, đem ninh sôi cả ngày. Sáo diều vừa thanh, vừa ấm làm bằng nan tre đan thành ống, dùng sơn ta đun nóng gắn với miệng sáo khoét từ gỗ vàng tâm; cánh diều bồi bằng giấy bản. Thời nay, dây diều và phụ kiện đơn giản hơn, nhưng vẫn giữ vẻ độc đáo. Ở một làng quê khác, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, câu lạc bộ thả diều vẫn được duy trì, hoạt động sôi nổi. Những đêm trăng thanh, gió lộng, cánh diều sáo thôn quê vẫn miệt mài bay lượn, vi vút ngân nga trên bầu trời bao la...
Theo báo Nhân dân