Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:55:03 GMT+7
Lượt xem: 3009

Tin đăng lúc 24-11-2015

Việc chuyển đổi giới tính chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam

Quốc hội đã chính thức thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính trong Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Việc chuyển đổi giới tính chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam
Các cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới ở TP HCM và Hà Nội chuẩn bị ăn mừng sự kiện.

Sáng nay (24/11), với 90,28% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính và các quyền, nghĩa vụ liên quan; đồng thời biểu quyết thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi).

 

Theo đó, điều 37 (Chuyển đổi giới tính) của Bộ luật này nêu rõ: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

 

Điều 36 về Quyền xác định lại giới tính cũng quy định cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

 

Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

 

Trước đó, phát biểu thảo luận về điều khoản này, nhiều đại biểu nhấn mạnh thực tế người chuyển giới ở nước ta ngày càng thể hiện rõ rệt hơn nhưng chưa được công nhận, chưa có quyền xác định lại giới tính. Mặc dù việc chuyển đổi giới tính đang tồn tại khách quan nhưng thực chất họ sống ngoài vòng phủ sóng như “người vô hình”.

 

Bản thân người chuyển giới đã chịu khó khăn trong đời sống, việc làm, y tế, an sinh xã hội; bị chính gia đình và xã hội kỳ thị, trong khi các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hợp lý. Do đó, việc thông qua điều khoản này có ý nghĩa hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho người chuyển giới được “sống thật” với bản thân mình.

 

Theo Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý: Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc./.

 

PV/VOV.VN

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang