Trong 45 năm qua, kể từ ngày thành lập Viện Kinh tế - Kỹ thuật thương nghiệp (17/6/1971), Viện tiền thân đầu tiên của Viện Nghiên cứu Thương mại ngày nay, lịch sử xây dựng và phát triển của Viện đã trải qua nhiều chặng đường. Gần nửa thế kỷ ấy, các thế hệ cán bộ luôn tích cực nghiên cứu khoa học thương mại đều có chung một chí hướng vì sự phát triển bền vững của Viện.
Là đơn vị sự nghiệp chuyên nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Thương mại nằm trong hệ thống các Viện khoa học quốc gia và là một trong hơn 100 cơ sở đào tạo sau đại học của Nhà nước. Quá trình phát triển, Viện Nghiên cứu Thương mại đã trở thành một trong những trung tâm phát triển khoa học đầu ngành, có uy tín với xã hội và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu thương mại và đào tạo tiến sĩ kinh tế chuyên ngành.
TS. Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Nét nổi bật của Viện chính là trong từng giai đoạn, lãnh đạo Viện đã chú trọng xây dựng nhân tố con người, quy tụ được nhiều chuyên gia, tiến sĩ giỏi để tập trung nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài khoa học chất lượng cao về lĩnh vực thương mại cấp Nhà nước và mang tầm quốc tế. Trong mỗi giai đoạn, từng thời điểm, Viện đã căn cứ vào tình hình thực tế để hoạch định chiến lược phát triển, đồng thời, tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân sự một cách phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của Bộ và hội nhập với kinh tế thế giới. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Thương mại có gần 100 cán bộ, giáo viên và trên 40 nghiên cứu sinh đang học tập nghiên cứu; trên 50 nghiên cứu sinh của Viện đã được cấp bằng tiến sĩ, đóng góp vào sự nghiệp phát triển thương mại và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của nước nhà.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, đặc biệt là từ khi Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Viện đã chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển kinh tế của đất nước và của ngành, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, đột xuất mà Bộ Công Thương giao. Trong đó, có 02 đề tài cấp Nhà nước, 50 đề tài cấp Bộ và tỉnh, thành phố trong cả nước. Điển hình cấp Nhà nước có các Đề tài: “Luận cứ khoa học cho xây dựng chính sách xuất nhập khẩu bền vững của Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020” thuộc Chương trình KX.01/11-15; “Hoàn thiện chính sách và cơ chế điều tiết cung - cầu bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu”… Cấp Bộ có các Đề tài: “Nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng chiến lược phát triển thương mại của Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020”; “Nghiên cứu hoàn thiện chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa ở nước ta hiện nay”; “Nghiên cứu thị trường nông sản Trung Quốc và khả năng xuất khẩu một số sản phẩm nông sản của Việt Nam”…
Biểu diễn văn nghệ chào mừng
Riêng lĩnh vực đào tạo, trong giai đoạn 2011 – 2015, Viện đã chú trọng khâu tuyển sinh đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, đồng thời đào tạo được 32 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế, đồng thời, tổ chức được 75 lớp đào tạo kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại cho cán bộ địa phương; 37 lớp đào tạo kiến thức kinh doanh cho 5.508 học viên đại diện tại các chợ của 37 tỉnh, thành phố trong cả nước; 10 lớp đào tạo kiến thức về quản lý chợ cho hơn 1.000 cán bộ Ban quản lý chợ tại các địa phương; 03 lớp đào tạo kiến thức về quản lý cho 252 chủ nhiệm hợp tác xã thương mại tiêu biểu trên địa bàn cả nước…
Đón nhận quà tặng của đại biểu
Bên cạnh nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học, Viện còn đẩy mạnh các hoạt động tổ chức các sự kiện, hội thảo, tọa đàm về các nhiệm vụ của ngành; Tổ chức xuất bản Tạp chí chuyên về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính,… và tăng cường hợp tác nghiên cứu chuyên ngành với các quốc gia, nhằm nâng cao năng lực, trình độ kiến thức về quản lý, lãnh đạo, thực hiện của cán bộ, công chức trong Viện và đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập với nền kinh tế thế giới... Nhờ vậy mà uy tín và vị thế của Viện Nghiên cứu Thương mại không ngừng được nâng cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành Viện nghiên cứu và đào tạo hàng đầu ở nước ta, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của ngành Công Thương trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Bộ/ Ngành tặng thưởng nhiều Huân Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, cờ thi đua và Bằng khen các loại...
Chụp ảnh lưu niệm
Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, do đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và phát triển ngoại thương trong những năm tới đang đặt ra nhiều yêu cầu mới và cần phải đổi mới công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược và chính sách phát triển. Với truyền thống và thành tích đã đạt được trong 45 năm qua, chắc chắn Viện Nghiên cứu Thương mại sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển của ngành Công Thương theo hướng bền vững./.
Hà Trang