Tham dự Diễn đàn CMCN lần thứ tư còn có những diễn giả uy tín trong nước như: Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nay là Bộ Công Thương, Cố vấn kinh tế cấp cao; ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Bộ Công Thương; ông Bùi Quan Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, CMCN lần thứ tư đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng này bao trùm tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến doanh nghiệp và các địa phương.
“Nếu định hướng rõ ràng mục tiêu và cách thức tiếp cận, CMCN lần thứ tư sẽ là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Bà Louise Chamberlain - Giám đốc UNDP Việt Nam phát biểu tại diễn đàn
Chia sẻ quan điểm tại diễn đàn, bà Louise Chamberlain - Giám đốc UNDP Việt Nam cho biết, chủ đề CMCN lần thứ tư luôn nhận được sự quan tâm lớn từ Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn liên quan bởi nó đại diện cho cả các cơ hội căn bản cho sự phát triển nhanh chóng của con người và cả những thách thức lớn, ví dụ như sự gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia.
“Những sự kiện như diễn đàn hôm nay đặc biệt quan trọng, bởi tác động và quy mô ảnh hưởng của CMCN lần thứ tư vẫn chưa được hiểu rõ. Ngay cả việc nghiên cứu về chủ đề này cũng là một thách thức bởi sự tiếp cận những ảnh hưởng là quá phức tạp”, bà Chamberlain đánh giá.
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại diễn đàn
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đóng góp quan điểm về vấn đề cơ hội và thách thức của Việt Nam khi CMCN lần thứ tư đang diễn ra. Theo ông Trần Đình Thiên, tuy luôn được đánh giá là một dân tộc thông minh, nhưng trên thực tế, Việt Nam đang có nguy cơ bị tụt hậu so với sự phát triển của thế giới.
Ông Trần Đình Thiên cho biết thêm, CMCN lần thứ tư có những tác động to lớn, bao trùm tất cả lĩnh vực, cấp độ. Những tác động này tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn hạn đến trung hạn như gia tăng bất bình đẳng toàn cầu hay đe dọa việc làm do sự phát triển của công nghệ robot.
Chia sẻ về vấn đề tái cơ cấu ngành Công Thương trong bối cảnh CMCN lần thứ tư, ông Trần Việt Hòa - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học công nghệ - Bộ Công Thương cho biết, cuộc cách mạng này sẽ tạo ra một nền sản xuất công nghiệp có tính cạnh tranh cao, duy trì tăng trưởng và phát triển dựa trên nền tảng tri thức và ứng dụng mạnh mẽ của khoa học công nghệ cao. Bên cạnh đó, không gian công nghiệp ngày càng trở nên linh hoạt trong khi yếu tố định vị công nghiệp truyền thống sẽ giảm dần vai trò.
Theo ông Trần Việt Hòa, ngành Công Thương cần tái cơ cấu theo hướng: Dịch chuyển sang ngành công nghệ cao, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao; đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao kỹ năng người lao động; tập trung vào đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ông Trương Đình Tuyển (giữa) điều phối thảo luận Đối thoại bàn tròn “Việt Nam với Cách mạng Công nghiệp 4.0”
Bên cạnh đó, diễn đàn còn tổ chức Đối thoại bàn tròn “Việt Nam với Cách mạng Công nghiệp 4.0”, “Kết nối chuỗi cung ứng trong Cách mạng Công nghiệp 4.0”, “Kinh tế chia sẻ” và “IoT và việc hình thành xã hội mới”.
Nguồn Báo Công Thương