Chủ Nhật, 24/11/2024 02:44:20 GMT+7
Lượt xem: 1353

Tin đăng lúc 20-08-2018

Việt Nam cần tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI

“Việt Nam cần tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây” - TS. Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu khoa học cao cấp của Google Deepmind (Mỹ) nói.
Việt Nam cần tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI
Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Chiều 19-8, trong khuôn khổ Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo đã diễn ra lễ công bố Sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và phiên đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học.

 

Đây là hoạt động do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng một số địa phương tổ chức.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ công bố.

 

 

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ngay từ thời nhà Lê, hiền tài đã được coi là nguyên khí của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có tư tưởng trọng dụng nhân tài trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Khâm phục tài đức của Người và theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài như các vị: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phạm Huy Thông, Ngụy Như Kontum,... đã tự nguyện trở về phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhiều người sau này đảm nhận những cương vị chủ chốt trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật của đất nước. Nhờ có tư tưởng lớn về nhân tài, Người đã tập hợp được một lực lượng hùng hậu các nhân sĩ, trí thức, nhân tài. Họ tuy khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội, nhưng tất cả đều có chung một ý chí đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc.

 

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, chăm lo đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút và trọng dụng người tài, nhất là đội ngũ các nhà khoa học, các trí thức trong và ngoài nước, cùng chung tay xây dựng đất nước. 

 

 

 Các đại biểu tham dự hội nghị

 

Buổi lễ hôm nay sẽ là dấu mốc quan trọng trong việc quy tụ các nhân tài phục vụ đất nước. Ngày hôm nay là một vài trăm tài năng, trí tuệ tiên phong, nhưng trong tương lai sẽ là hàng nghìn, hàng vạn tài năng, trí tuệ Việt Nam, cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh”, Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học, tri thức trẻ được sống và làm việc thoải mái tại quê hương. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chia sẻ cơ hội, hợp tác với các nhà khoa học để biến các cơ hội thành hiện thực.

 

 

TS Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google Deepmind, phát biểu tại buổi lễ.

 

Đóng góp ý kiến tại lễ công bố, TS. Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu khoa học cao cấp của Google Deepmind (Mỹ) cho biết, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ, trong đó có nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có tên tuổi trên bản đồ AI của thế giới.

 

“Việt Nam cần tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây” - ông Bùi Hải Hưng nói.

 

Trong khi đó, PGS. TS Hồ Anh Văn từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, cho rằng, công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là: Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ. Và nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng.

 

Còn diễn giả Trần Văn Hinh, thành viên Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp thì chia sẻ nguyên tắc chung để thành công của các quốc gia, đó là “lấy văn hóa làm nền tảng của sự kết nối giữa con người với con người, lấy tinh thần  dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc làm động lực dấn thân”.

 

Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra từ ngày 18 đến ngày 24-8-2018 với thành phần nòng cốt là 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài.

 

 

“Sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho tài năng, tri thức người Việt Nam đang học tập ở nước ngoài hưởng ứng, tham gia. Các Bộ, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bạn trẻ tài năng để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước. Các nhà khoa học, tri thức trẻ có thể đến từ nhiều nơi khác nhau, có học hàm, học vị khác nhau nhưng chúng ta cùng là người con đất Việt, đều có khát khao xây dựng đất nước. Có thể nói, các bạn là tài sản quý giá của đất nước” - Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

 

Theo SGGP


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang