Thứ Sáu, 22/11/2024 16:55:30 GMT+7
Lượt xem: 1026

Tin đăng lúc 26-12-2020

Việt Nam cắt giảm 50% lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025

Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025, giảm thiểu 75% lượng chất thải nhựa trên biển vào năm 2030, loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy tại các điểm du lịch ven biển và khu bảo tồn biển vào năm 2030.
Việt Nam cắt giảm 50% lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025
Khởi động chương trình “Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam”

Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới khởi động chương trình “Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam” ngày 23/12/2020, nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương. Chương trình là sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện với Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa, nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

 

Hiện nay, Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có khoảng 10% là nhựa và đang ngày một gia tăng, gây nhiều nguy hiểm cho môi trường Việt Nam và thế giới.

 

Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, rác thải nhựa vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030, trừ khi có những hành động mang tính hệ thống và đột phá được thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải.

 

Thông qua Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam NPAP, các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giảm thiểu đáng kể dòng chất thải nhựa ra môi trường đất liền và đại dương, xây dựng lộ trình loại bỏ nhựa 1 lần, túi nylon khó phân hủy, đặc biệt tại các đô thị, khu du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển.

 

Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025, giảm thiểu 75% lượng chất thải nhựa trên biển vào năm 2030, loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

 

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa. Đồng thời, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực.

 

Đặc biệt, ngày 17/11/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều nội dung đột phá về phòng chống ô nhiễm rác thải đại dương, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

 

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy cộng đồng năng động có các sáng kiến hành động về nhựa tại Việt Nam, giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa, đồng thời chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa.

 

Chương trình sẽ tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác đối tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế song phương và đa phương nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa, đồng thời thúc đẩy mô hình sản xuất tiêu dùng nhựa bền vững. Qua đó, Việt Nam sẽ góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tích cực phối hợp để triển khai sáng kiến về Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng hy vọng Chương trình sẽ tập hợp, kết nối các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc quản lý, xử lý hiệu quả chất thải nhựa. Thông qua đó, sẽ góp phần thực hiện cam kết của ASEAN về bảo vệ môi trường đã được khẳng định trong Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải Đại dương.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tái chế nhựa, sản xuất nhựa theo công nghệ hiện đại.

 

Bên cạnh đó là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

 

Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức về quản lý, sử dụng bền vững các sản phẩm nhựa; sớm thiết lập một Trung tâm nghiên cứu quốc tế của khu vực nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho giảm thiểu chất thải nhựa; hình thành các cơ chế hợp tác hiệu quả khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa vì mục tiêu đại dương không rác thải nhựa, Trái đất xanh không ô nhiễm nhựa.

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang