Theo Phó Thủ tướng, Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc lần này là cơ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng để đánh giá những thành tựu đã đạt được; nhận diện rõ những thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó đề ra định hướng và các giải pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc trên lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư trong thời gian tới.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Hàn Quốc thời gian qua có những bước phát triển ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác ODA.
Việt Nam quyết tâm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư
Theo Phó Thủ tướng, thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều thay đổi cả về chính trị, kinh tế và công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp.
“Chưa bao giờ, thế giới lại gắn kết một cách chặt chẽ như hiện nay, công nghệ hiện đại đang tạo ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống, song cũng mang lại những thách thức không nhỏ về kinh tế, văn hóa và xã hội đối với các nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định: “Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân”.
Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp và người dân; cải cách hành chính; nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh; tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, phát triển nhanh ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và thân thiện môi trường; phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là những ngành có lợi thế, có công nghệ và giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh thu hút FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo nhiều việc làm, thu nhập.
“Nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung tham gia đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược”, Phó Thủ tướng nói với các nhà đầu tư.
Cùng với nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, Việt Nam cũng sẽ tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng đô thị, khuyến khích đầu tư theo mô hình đối tác công-tư (PPP) để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư và kinh doanh khai thác các công trình hạ tầng.
“Cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng cũng chính là cách để giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và của cả nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhóm giải pháp phát triển nhanh nguồn nhân lực, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn lực tư nhân, kể cả đầu tư nước ngoài cho đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế; phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có đội ngũ một triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.
Một nhóm giải pháp quan trọng cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập trong phát biểu với các nhà đầu tư Việt - Hàn là phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp.
“Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí thuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các FTA mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa hoạt động ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nêu những lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác đầu tư nhằm phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng sâu rộng, hiệu quả, thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế- thương mại-đầu tư.
Về đầu tư, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp điện tử, ô tô, xây dựng, dệt may; công nghệ thông tin, năng lượng; nông nghiệp chất lượng cao; môi trường; y tế; nghiên cứu - phát triển (R&D); tài chính - ngân hàng; dịch vụ chất lượng cao; phát triển các sản phẩm nội dung sáng tạo, các dự án phát triển hạ tầng theo hình thức PPP.
Về thương mại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị doanh nghiệp hai nước cần tăng cường hợp tác để triển khai có hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), gắn kết chặt chẽ hơn nữa lợi ích kinh tế, góp phần nâng quy mô thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2017 vừa qua.
“Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản như gạo, trái cây nhiệt đới, thịt lợn, tôm v.v..., hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện sang Hàn Quốc. Đồng thời, mong muốn nhập khẩu các mặt hàng có chất lượng từ Hàn Quốc phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước”, Phó Thủ tướng nói.
Về du lịch và giao lưu nhân dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng số người đi tham qua lại giữa hai nước sẽ đạt con số hơn 2 triệu lượt người.
“Ngoài Hà Nội, Hạ Long, TPHCM, Đà Nẵng đã quen thuộc với các bạn Hàn Quốc, Việt Nam có rất nhiều điểm đến hấp dẫn khác mong đón nhiều hơn nữa khách du lịch Hàn Quốc như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt... với thắng cảnh đẹp, con người thân thiện, hạ tầng và dịch vụ du lịch phát triển đa dạng”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu với khách du lịch.
Trên cơ sở các nền tảng vững chắc của những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hợp tác giữa hai nước suốt 25 năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin rằng, với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, 2 nước hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam với công nghệ tiến bộ của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
“Với phương châm thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam chào đón các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Hàn Quốc nói riêng, sẵn sàng hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, cùng nhau phát triển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Nguồn Chinhphu