Tại Hội thảo Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng Mê Kông ngày 17/1, ông Đoàn Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 21,4 tỷ USD.
Trong số này, Lào có 270 dự án, số vốn là 5,12 tỷ USD; Campuchia với 191 dự án, số vốn 2,89 tỷ USD; một số quốc gia như Nga, khu vực châu Phi cũng là những thị trường đầu tư tiềm năng… Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh…
Theo ông Nghị, hiện có một số điểm mới về chính sách đầu tư ra nước ngoài như: đối với các dự án có vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo quy trình không phải xin chấp thuận chủ trương của Quốc hội/Thủ tướng Chính phủ và thời hạn xử lý hồ sơ là 15 ngày.
Đối với các dự án thuộc diện phải có chấp thuận chủ trương của Quốc hội/Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận.
Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đã được đơn giản hóa và rõ ràng hơn về đầu mục cũng như nội dung hồ sơ.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy quá trình Chính phủ điện tử cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Kế Hoạch Đầu tư đã triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động đăng ký hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài qua mạng Internet, đồng thời, nhà đầu tư có thể truy cập vào Hệ thống nêu trên để theo dõi quá trình xử lý hồ sơ một cách công khai, minh bạch.
Ts. Phạm Quang Tú, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cũng cho rằng, hiện các DN Việt đầu tư vào các nước Lào, Campuchia mới chỉ dừng lại nhiều ở nông nghiệp, lâm nghiệp. Các ngành khai thác khác có giá trị gia tăng chưa nhiều, mới chỉ có viễn thông, bất động sản. Tại Lào và Campuchia, vướng mắc của nhiều DN liên quan đến chính sách đất đai, trong đó có sự thiếu nhất quán trong áp dụng chính sách, đặc biệt là các quy định do địa phương đặt ra và áp dụng ngoài các chính sách của nhà nước.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, để đầu tư có hiệu quả thì doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ pháp luật không chỉ của Việt Nam mà còn phải tuân thủ cả pháp luật của nước sở tại. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt trước khi đầu tư ra nước ngoài.
Nguồn Thoibaokinhdoanh.vn