300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, tự do hóa thương mại mang lại nhiều kết quả thiết thực về đầu tư kinh doanh cho Việt Nam. Kết quả này không chỉ được nhìn nhận ở một khía cạnh mà quan trọng hơn, Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đem lại cơ hội cho doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút FDI, tiếp cận các công nghệ tiên tiến, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu do Việt Nam chỉ tham gia vào những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là lắp ráp, gia công. “Tại Việt Nam, có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế chứ không phải sản xuất” Thứ trưởng Hải cho biết thêm.
Dẫn báo cáo của VCCI, Thứ trưởng cho biết, trong số các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung cứng, chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn, 2-5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“Vấn đề chính của doanh nghiệp là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính. Thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, rất ít doanh nghiệp kết nối được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Theo ông Ousmane Dion, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, 02 báo cáo ra mắt vào thời điểm quan trọng bởi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế và đầu tư FDI mang lại các lợi ích về xuất khẩu, việc làm, giảm nghèo cho Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao bởi Việt Nam chỉ tham gia vào chuỗi hoạt động cuối cùng. Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phát triển để đa dạng hóa và đem lại giá trị gia tăng cao, tận dụng những đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng lớp đối tượng mới. Vấn đề đặt ra, Việt Nam sẽ đi theo con đường nào vươn lên trong chuỗi giá trị để đem lại giá trị cao hơn.
Từ kinh nghiệm quốc tế, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, thu hút FDI là vấn đề quan trọng của Việt Nam, mặc dù Việt Nam là quốc gia có luồng FDI tốt nhưng cần tác động lan tỏa hơn. Để làm được điểu đó “tăng cường năng lực cạnh tranh trong nước rất quan trọng đối với Việt Nam để đem lại tác động lan tỏa, vươn lên trong chuỗi giá trị gia tăng” ông Ousmane Dion nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo
Chia sẻ về báo cáo “Việt Nam trước ngã rẽ - Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới”, ông Charles Kunaka- Chuyên gia kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh, Ngân hàng thế giới phân tích, Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo ra việc làm, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất cuối cùng đem lại giá trị gia tăng thấp, trong đó có liên kết trong nước còn yếu.
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, hoặc có thể tiếp tục phát triển làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu ở chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng làn song tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên tham gia vào các công đoạn giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi.
“Nỗ lực tham vọng đó đòi hỏi phải phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và theo ngành dọc ở các ngành cụ thể. Các biện pháp không nên được triển khai riêng lẻ mà cần phải có một nghị trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh” ông Charles Kunaka khẳng định.
Ông Charles Kunaka cũng cho biết thêm, khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Các đơn vị xuất khẩu đang phải chịu chi phí vận tải cao và hiệu quả logistics thấp, cần có vai trò của Chính phủ.
Ngoài ra, ông Charles Kunaka cũng cho rằng, liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước còn yếu. Hiện có cơ hội ngắn hạn để phát triển nhà cung ứng trong nước với các yêu cầu nội địa hóa, nhưng lâu dài chính sách cần được cải thiện mạnh mẽ.
Cần nâng cấp về kinh tế, tạo môi trường chính sách thuận lợi
Bình luận thêm về báo cáo, ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, đây là báo cáo kịp thời, cho thấy sự thay đổi về cơ cấu kinh tế và xã hội. Nhưng đúng như tiêu đề của báo cáo “VN đang đúng trước ngã rẽ” nếu như không có những thay đổi thì có thể rơi vào “Bẫy giá trị gia tăng thấp” và làm sao để thoát khỏi “bẫy” này là điều đáng lưu tâm.
“Hiện nay Việt Nam đang đứng trước những cửa sổ cơ hội nhưng cửa sổ này đang thu hẹp nhanh”. Báo cáo chỉ ra có những cách tiếp cận mới, đưa ra khung chính sách mới bằng cách tiếp tục hội nhập, cải cách trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp nhà nước để nguồn lực được phân bổ hiệu quả. Báo cáo cũng đề cập, để vượt lên cần thúc đẩy công nghệ, nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo để bước lên bước cao hơn trong chuỗi giá trị. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra giải pháp đặc thù cho từng ngành.
“Muốn bước lên cao hơn phải nâng cấp về kinh tế, kết nối các doanh nghiệp, tạo môi trường chính sách, thể chế để thúc đẩy. Đi cùng với nâng cấp về kinh tế phải nâng cấp về xã hội để người lao động là người được hưởng lợi cuối cùng, hướng tới 1 xã hội trung lưu” ông Nguyễn Thắng thẳng thắn nhìn nhận.
Đối với báo cáo “Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Asya Akhlaque, Quyền Giám đốc Vụ Đông Á- Thái Bình Dương, Khối Thương mại và Cạnh tranh, Ngân hàng thế giới phân tích, tỷ lệ công ty nước ngoài sử dụng đầu vào trong nước còn khá thấp ở Việt Nam. Cùng với đó, tỷ lệ công ty trong nước có kết nối ở Việt Nam thấp hơn so với quốc gia tương đương, ví dụ như Trung Quốc, Malaysia.
Thất bại thị trường chính trong các chương trình kết nối được bà Asya Akhlaque nhắc đến đầu tiên là thiếu nhà cung cấp trong nước cạnh tranh. Điều đó khiến cho các công ty nước ngoài sẽ tìm kiếm ở nơi khác và kết nối với các công ty có thể cung cấp một cách ổn định và kịp thời các đầu vào cần thiết cho sản xuất.
Thứ hai, thiếu tiếp cận tài chính. Đây là rào cản kinh doanh hàng đầu của các công ty ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT-TT. Việt Nam có xếp hạng thấp hơn Malaysia và Thái Lan về số công ty tiếp cận được với tín dụng/khoản vay hoặc thấu chi.
Thứ ba, thiếu lao động có kỹ năng. Đây là cản trở của tất cả các ngành. Đặc biệt, trong các ngành may mặc, dệt, CNTT&TT. Lý do được bà Asya Akhlaque giải thích là do cơ cấu quản trị của doanh nghiệp đầu chuỗi nước ngoài và hệ thống giáo dục địa phương không thể bắt kịp nhu cầu của môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh.
Khảo sát 28 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy, chính sách khuyến khích hành vi gắn với các chương trình hỗ trợ SME có tính chung chung và không hướng đến các SME. Sử dụng cách tiếp cận vòng đời, thiếu giai đoạn khởi nghiệp, đặc biệt là thiếu các chương trình hỗ trợ liên quan đến tiếp cận tài chính và tiếp cận thị trường. Các chương trình dường như chưa bền vững. Nhiều chương trình hoặc thiếu mục tiêu, không có mục tiêu cụ thể, có mục tiêu không đo lường được, ngân sách không phù hợp với đầu ra, hoặc thiếu tiêu chí để xác định mục tiêu.
Trong quá trình khiển khai, sự tham gia của khu vực tư nhân dường như còn ít. Việc thể chế hóa các chương trình hỗ trợ SME của nhà nước ở cấp tỉnh còn hạn chế. Những thách thức trong quá trình thực hiện còn thiếu sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương.
Chính vì vậy, bà Asya Akhlaque cho rằng, việc điều phối chính sách và tập trung vào công nghiệp hỗ trợ là cần thiết. Để làm được điều đó, các công ty đa quốc gia cần thu hút nhà cung cấp nước ngoài, thu hút công nghệ và kỹ năng từ nước ngoài, các chính sách ưu đãi thông minh, cần có cơ sở dữ liệu và kết nối với nhà cung cấp, có chương trình mục tiêu phát triển nhà cung cấp trong nước. Đặc biệt, Chính phủ là nhà quy hoạch, thúc đẩy và điều phối chiến lược.
Nguồn Moit.gov.vn