Bộ Thông tin & Truyền thông đang xem xét quyết định về lộ trình tắt sóng 2G từ 1/1/2022.
2G là thế hệ mạng di động thứ 2. Công nghệ này có khả năng phủ sóng rộng khắp, giúp người dùng có thể sử dụng điện thoại để nghe, gọi ở nhiều vùng trên thế giới. Tuy nhiên, công nghệ này không thể cho phép truyền cả dữ liệu ngoài thoại như tải dữ liệu, email, truy cập internet...
Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng, xu thế 2G đã thoái trào và ngày càng bị thay thế bởi các công nghệ tiên tiến hơn. Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất gồm: GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE – A (4G) triển khai từ năm 2016.
Việc tắt sóng 2G nhằm giải phóng tần số, dùng tiếp cho các công nghệ mới sẽ tăng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về phổ tần ngày càng gia tăng của doanh nghiệp viễn thông. Việc tắt sóng 2G cũng giúp tiết kiệm rất nhiều tài nguyên, chi phí vận nhà cho nhà mạng và quốc gia, đồng thời tập trung nhân lực vào việc phát triển các công nghệ mạng mới, ví dụ như 5G.
Theo dự đoán của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), lượng thuê bao 2G trên toàn cầu sẽ giảm từ 40% năm 2017, xuống còn 6% vào năm 2025. Số lượng thiết bị đầu cuối 2G bán ra trên thị trường thế giới cũng giảm rất nhanh, dự kiến chỉ còn chiếm 15,1% vào năm 2023.
Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2014, cả nước có 107 triệu thuê bao 2G, nhưng đến giữa năm 2018, chỉ còn 72 triệu thuê bao.
Theo VNE