Với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững và lấy con người làm trung tâm”, hội nghị hướng tới việc thúc đẩy hợp tác công-tư nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường, khí hậu và phát triển.
Hội nghị dự kiến thu hút khoảng 800 - 1.000 đại biểu, trong đó có lãnh đạo cấp cao từ các quốc gia thành viên P4G như Thủ tướng Ethiopia, Lào; Phó Thủ tướng Campuchia; cùng các bộ trưởng và đại diện cấp cao từ Hàn Quốc, Indonesia, Kenya, UAE, Rwanda, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nam Phi, Colombia, Philippines và Ý. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, ADB, AIIB và các doanh nghiệp toàn cầu.
Là một trong bảy quốc gia sáng lập và đối tác chính thức của P4G, Việt Nam từ lâu đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Việc đăng cai hội nghị lần này không chỉ là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, chính sách và thành tựu trong lĩnh vực phát triển bền vững, mà còn góp phần khẳng định vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều hoạt động quan trọng sẽ được tổ chức như phiên họp toàn thể cấp cao, đối thoại doanh nghiệp, triển lãm quốc tế về công nghệ xanh và năm phiên thảo luận cấp bộ trưởng với các chủ đề then chốt như huy động nguồn lực tài chính xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi năng lượng hiệu quả. Đây là diễn đàn thiết thực để các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và học giả cùng nhau trao đổi, xây dựng lộ trình hành động cụ thể nhằm tạo ra các giải pháp đột phá trong phát triển xanh.
Một điểm nhấn quan trọng của hội nghị là việc thông qua Tuyên bố Hà Nội và Tuyên bố P4G, trong đó khẳng định sự đồng thuận quốc tế về việc tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy các sáng kiến xanh và hỗ trợ tài chính – công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi bền vững. Các văn kiện này không chỉ thể hiện dấu ấn đóng góp của Việt Nam vào diễn đàn quốc tế mà còn mang tính định hướng cho các cơ chế phối hợp toàn cầu trong thời gian tới.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hội nghị P4G 2025 là cơ hội quan trọng để thu hút nguồn lực quốc tế, thúc đẩy hợp tác công – tư và quảng bá hình ảnh một Việt Nam năng động, trách nhiệm, sẵn sàng đồng hành cùng thế giới trong xây dựng một tương lai phát triển bền vững, vì con người và vì hành tinh.
Ngoài ra, thông qua hội nghị, Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt như chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực thể chế.
Tuệ Lâm