Thứ Sáu, 22/11/2024 22:26:23 GMT+7
Lượt xem: 7266

Tin đăng lúc 16-03-2017

Việt Nam đang là nước xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới

Trên thị trường thế giới hiện nay có 4 loại thanh long chính là thanh long vỏ đỏ, ruột trắng chủ yếu đến từ Việt Nam và Thái Lan; thanh long vỏ đỏ, ruột đỏ đến chủ yếu từ Israel và Maylaysia; thanh long vỏ đỏ, ruột tím đến từ Guatemala, Nicaragua, Ecuador và Israel; thanh long vỏ vàng, ruột trắng đến từ Colombia và Ecuador.
Việt Nam đang là nước xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới
Ảnh minh họa

Nghiên cứu của Công ty T&C về thị trường thanh long cho biết, không giống các mặt hàng khác như cà phê hay gạo, thanh long vẫn chưa được biết đến rộng rãi với người tiêu dùng trái cây trên thế giới ngoài cộng đồng châu Á và vẫn chưa có nghiên cứu hay thống kê chính thức nào về sản lượng tiêu thụ và cung cấp sản phẩm này trên thế giới.


Tuy nhiên, các đánh giá đều cho thấy nhu cầu về thanh long đang có triển vọng phát triển tốt trên khắp thế giới, đặc biệt ở các thị trường mới của thanh long ngoài châu Á. Nhu cầu này tăng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và quảng bá sản phẩm, đặc biệt là thông tin về các tác dụng tốt cho sức khỏe của thanh long, giảm giá thành và cải thiện được độ ngọt của trái thanh long.


Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới, chiếm thị phần cao nhất tại châu Á, châu Âu và một số thời điểm tại Mỹ. Thái Lan và Israel là hai nước xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba tại thị trường châu Âu.


Trong đó, các thị trường tiêu thụ thanh long chính của Việt Nam bao gồm 4 khu vực: Thị trường châu Á; Thị trường châu Âu; Thị trường Mỹ và các Quốc gia khác.


Cụ thể, châu Á là thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất và cũng dễ tính nhất, đặc biệt là các quốc gia có cộng đồng người Hoa do niềm tin vào sự may mắn mang lại nhờ tên gọi thanh long, hình dáng và màu sắc. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thanh long lớn nhất ở châu Á và cũng là lớn nhất thế giới hiện nay.


Nhu cầu thanh long tại Indonesia, Singapore, Thailand và Philippines những năm gần đây cũng tăng nhanh. Một số quốc gia châu Á không ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng ngày càng quan tâm đến sản phẩm thanh long do các đặc tính tốt cho sức khỏe mà trái thanh long mang lại.


Cũng giống như Trung Quốc, thị trường các nước ASEAN, Hồng Kông và Đài Loan là các thị trường truyền thống về tiêu thụ sản phẩm thanh long của Việt Nam và có nhu cầu về thanh long tương đối ổn định, đặc biệt có nhu cầu tăng khá vào các dịp lễ tết vì màu sắc, hình dáng và tên gọi của trái thanh long đều có ý nghĩa may mắn tại các quốc gia này.


Các nước ASEAN, Hồng Kông, Đài Loan là các thị trường ít có các rào cản khắt khe về VSATTP và nhãn mác bao bì hơn so với các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, đồng thời lại gần với Việt Nam về mặt địa lý nên khắc phục được tình trạng vận chuyển xa nâng chi phí lên cao. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, thị trường ASEAN, Hong Kong và Đài Loan sẽ tiếp tục là những thị trường quan trọng của thanh long Việt Nam trong ngắn và trung hạn, được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là thích hợp nhất đối với khả năng sản xuất trình độ thấp của Việt Nam hiện nay. Điển hình là việc Đài Loan ra sắc lệnh cấm thanh long Việt Nam từ năm 2009 sau khi phát hiện ruồi đục quả. Chỉ một phát hiện có thể khiến quy trình thương thảo nối lại thị trường kéo dài tới 2 năm. Do vậy, cần đảm bảo tránh rủi ro tương tự khi xuất khẩu sang các thị trường khác bằng cách mở rộng phát triển thanh long đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.


Thị trường Nhật, thanh long phải được Cơ quan bảo vệ thực vật của Việt Nam kiểm tra và cấp giấy chứng thực kiểm dịch không nhiễm sâu bệnh, đặc biệt ghi rõ không bị nhiễm ruồi đục quả; Được Cục Bảo vệ Thực vật chứng nhận thanh long đã được tiến hành khử trùng tại nơi sản xuất bằng hơi nước nóng theo đúng nhiệt độ và quy trình phía Nhật Bản yêu cầu (Cục Bảo vệ Thực vật đóng dấu, dán giấy niêm phong). Bao bì sản phẩm: phải ghi rõ thanh long đã được Cục Bảo vệ Thực vật kiểm tra chứng thực và ghi rõ “for Japan”.


Đối với thị trường Hàn Quốc, yêu cầu đặt ra là phải đăng ký vườn cây ăn quả xuất khẩu và cơ sở đóng gói với Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam mỗi năm, thường xuyên khử trùng kiểm tra. Các nhân viên bảo vệ thực vật Việt Nam phải thông báo cho cơ quan Dịch vụ kiểm dịch quốc gia Hàn Quốc danh sách vườn trái cây, cơ sở đóng gói và các thiết bị xử lí nhiệt hơi đã được đăng kí trước khi bắt đầu xuất khẩu thanh long. Cùng với đó là những yêu cầu chặt chẽ về xử lý nhiệt hơi; Đóng gói và dán nhãn; Chứng nhận và kiểm tra xuất khẩu và Kiểm tra nhập khẩu.


Thị trường châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả tươi hàng đầu thế giới và khá cởi mở với các sản phẩm mới. Do vậy, tuy thanh long còn là một mặt hàng tương đối mới và chưa được quảng bá rộng rãi, giá thành lại cao, nhưng vẫn rất có triển vọng và thu hút được ngày càng nhiều sự yêu thích của người tiêu dùng vùng châu lục này.


Nếu có thể giảm bớt giá thành và quảng bá rộng rãi hơn nữa về giá trị dinh dưỡng của trái thanh long, chắc chắn loại trái cây này sẽ đến được với đông đảo cộng đồng dân cư tại các quốc gia Châu Âu bên cạnh các quốc gia như Pháp, Ý, Nga và Hà Lan.


Thị trường Mỹ: Thanh long là mặt hàng truyền thống đối với người tiêu dùng gốc Á nói chung và gốc Việt nói riêng ở Mỹ. Do cộng đồng người Á và Việt khá cao nên nhu cầu tiêu thụ thanh long tương đối lớn. Đối với các nhóm sắc tộc khác, thanh long vẫn là sản phẩm tương đối mới và chỉ được biết đến ở phân khúc của thị trường cấp cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết đây là thị trường sẽ phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới, bằng chứng là các chủ trang trại ở Florida và California đã bắt đầu tiến hành trồng thanh long để đáp ứng nhu cầu thị trường.


Hiện tại, thanh long Việt Nam cũng từng bước thâm nhập các thị trường khác như Ấn Độ, Chi Lê và Newzealand nhưng với số lượng còn rất hạn chế.

 

Nguồn Doanhnghiepvathuongmai.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang