Đó là những nhận định thẳng thắn của ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Hội nghị các Trụ cột Cộng đồng ASEAN diễn ra sáng 26/12 vừa qua, sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN đồng thời chuẩn bị cho việc Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.
Trong thời gian tới, hợp tác ASEAN có thể đối mặt với nhiều thách thức, nhiều lĩnh vực hợp tác có xu hướng chuyên môn cao như phòng chống tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng, an ninh biển, cứu trợ thảm họa, theo đó, để tham gia hiệu quả các hoạt động này tính chủ động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ông Dũng nhấn mạnh.
“Chúng ta đang đứng trước cơ hội và thách thức từ xu hướng gia tăng bảo hộ, hướng tới thỏa thuận song phương và các chiều hướng kinh tế toàn cầu khác. Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số với những đột phá về công nghệ” - ông Dũng nói.
Trong bối cảnh đó, ông đề xuất Việt Nam chú trọng tham gia đề xuất các dự án kết nối hạ tầng thu hẹp khoảng cách phát triển tương hỗ trong triển khai tầm nhìn ASEAN 2025, với các mục tiêu phát triển bền vững 2030; kết hợp với đề xuất trọng tâm tự cường và sáng tạo như thúc đẩy hợp tác và sáng tạo kinh tế số, kết nối an ninh mạng thông qua các sáng kiến như khuôn khổ thương mại điện tử, mạng lưới các thành phố thông minh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành kiểm điểm quá trình tham gia hợp tác ASEAN theo từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, có biện pháp cụ thể nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của ASEAN đối với Việt Nam, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm đóng góp chủ động, tích cực, có trách nhiệm và tăng cường hiệu quả thực chất các hoạt động trong tham gia hợp tác ASEAN. Từng bộ, ngành cần sớm kiện toàn bộ máy và tăng cường năng lực cho cán bộ; xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể theo từng lĩnh vực; đề xuất lộ trình, các bước triển khai cụ thể cho việc Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Nguồn Khoa học & Phát triển