Tăng trưởng ổn định
Theo kết quả phân tích của Hãng Analytics thuộc Tập đoàn Moody’s của Mỹ, triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APAC) năm 2025 vẫn tích cực, trong đó tăng trưởng sẽ tăng tốc ở Đông Nam Á và Việt Nam là một trong những nước có nhiều lợi ích nhất từ xu thế này.
Theo Analytics, kinh tế của khu vực Đông Nam Á khởi sắc nhờ thương mại, đầu tư, tiêu dùng, chính sách tài khóa nói chung và vào đầu năm 2025 là chính sách nới lỏng tiền tệ. Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng, từ đó ghi nhận sự tăng trưởng ổn định về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên mức 6,5% năm 2025 so với mức 5% năm 2024. Báo cáo nhấn mạnh: “Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia và Việt Nam, đang được hưởng lợi từ dòng đầu tư tăng từ cả nguồn trong nước và quốc tế”.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 từ mức 5,5% lên 6,1%, chủ yếu do sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. Điểm qua các yếu tố vĩ mô, ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, cho biết sau giai đoạn sụt giảm năm 2023, kể từ đầu năm nay, Việt Nam đã quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao ở một số lĩnh vực như xuất khẩu hay sản xuất công nghiệp; đầu tư nước ngoài (FDI) cũng ở mức cao.
Còn tờ Bloomberg trích dẫn các thông tin cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,93% trong quý 2 vừa qua nhờ sự phục hồi của thương mại, gia tăng các hoạt động kinh doanh nhờ đầu tư nước ngoài. Cùng chung nhận định, trang Business Today cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tăng tốc trong quý 2 nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 190 tỷ USD.
Thỏi nam châm hút FDI
Trang Vietnam Briefing nhận định, ngành sản xuất là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và khả năng phục hồi của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số sáng kiến để tận dụng thế mạnh vốn có của đất nước, mang lại những kết quả tích cực. Căn cứ theo báo cáo theo dõi sản xuất Việt Nam 2024-2025 của Vietnam Briefing, trong vài thập niên qua, Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các lợi thế chính của mình để trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tầm quan trọng ngày càng tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi ngành sản xuất thâm dụng lao động của Việt Nam, đặc trưng bởi chi phí lao động tương đối thấp, cơ sở hạ tầng xuất khẩu phát triển tốt và vị trí chiến lược trên các tuyến thương mại chính.
Cũng theo Vietnam Briefing, trong những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng vốn FDI đáng kể, lên đến 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Các sáng kiến nhằm tăng cường tính minh bạch, phát triển lực lượng lao động có tay nghề và thúc đẩy đổi mới đang được triển khai, bao gồm việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý hợp lý hóa các quy trình cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, các chương trình đào tạo có mục tiêu và giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng để đảm bảo lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu thay đổi của nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Việc thành lập các công viên công nghệ cũng như hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thúc đẩy văn hóa đổi mới đã thu hút các doanh nghiệp nước ngoài muốn đi đầu trong các tiến bộ công nghệ.
Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cho thấy qua nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam đang tăng tốc. Sức bật cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ vào 2 yếu tố chính. Thứ nhất là các yếu tố bên ngoài. Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động được phản ánh qua chỉ số PMI (Chỉ số Quản lý thu mua) tăng mạnh thể hiện đơn hàng tăng, nhu cầu mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng. Thứ hai là môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi nhờ lạm phát giữ mức ổn định 4%, chính sách tiền tệ hỗ trợ hoạt động đầu tư kinh doanh và cán cân thanh toán thuận lợi. Theo ADB, nhu cầu trong nước vẫn còn yếu, do vậy cần có sự hỗ trợ phù hợp của các biện pháp tiền tệ và tài khóa.
Tờ Asia Times nhận định,Việt Nam đang trở thành một nhân tố mới quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Với chính sách phát triển ngành công nghệ, Việt Nam đang đi theo bước chân của Malaysia, hiện là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới và chiếm 13% trong ngành lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói toàn cầu. |
Theo Sggp.org.vn