Thứ Hai, 25/11/2024 04:50:57 GMT+7
Lượt xem: 1080

Tin đăng lúc 17-10-2022

Việt Nam - điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu

Với tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp và tỷ giá khá ổn định, Việt Nam trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Việt Nam - điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu
Nguồn lao động Việt Nam tương đối trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ. (Ảnh: Hoàng Hà)

LTS: Dù kinh tế thế giới đang bị những đám mây đen bao phủ khắp nơi, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh nhiều màu xám ấy. Tuy nhiên, cả chuyên gia, doanh nghiệp lẫn nhà điều hành đều thận trọng cho rằng: Khó khăn, nguy cơ còn nhiều bởi độ mở nền kinh tế Việt Nam nằm trong top đầu thế giới. Và trong lúc này càng phải nỗ lực cải cách, phát huy hết các tiềm năng nội tại, nhất là môi trường kinh doanh, thị trường trong nước.

 

Với tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp và tỷ giá khá ổn định, Việt Nam trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

 

Chuỗi dự báo tích cực

 

Theo HSBC, Việt Nam là quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP với dự báo sẽ đạt 6,9% trong năm 2022, được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.

 

Đây là đánh giá tích cực tiếp theo của các tổ chức nước ngoài dành cho Việt Nam trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái và thị trường tài chính toàn cầu bất ổn, lạm phát tăng vọt và đồng nội tệ nhiều nước tụt giảm hàng chục phần trăm so với USD.

 

Tại hội thảo “Triển vọng Thị trường 2022” do HSBC tổ chức, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng, khác hẳn thời điểm một năm trước, Việt Nam đang tràn ngập nhịp sống nhộn nhịp với giao thông đông đúc và những hy vọng mới.

 

Trước đó, hàng loạt tổ chức và chuyên gia hàng đầu trên thế giới cũng có những nhận định tích cực về nền kinh tế Việt Nam.

 

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra tháng trước, ông Francois Painchaud, Trưởng đại Diện của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, đánh giá, Việt Nam hồi phục kinh tế ấn tượng trong năm nay khi có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế của châu Á. Đây là quốc gia duy nhất được điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 theo hướng tăng, từ 6% lên 7%.

 

Tổ chức này nhận định, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam lạc quan, ngược với xu hướng tăng trưởng chậm lại ở những quốc gia châu Á khác. 

 

Trong khi đó, tờ FT ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm 7 nền kinh tế nổi bật, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản trong bối cảnh thế giới đang nhiều khó khăn, kinh tế thế giới đang nghiêng về suy thoái và lạm phát gia tăng.

 

Chủ tịch Rockerfeller International, ông Ruchir Sharma nhận định trên FT, điểm chung của "7 kỳ quan kinh tế", trong đó có Việt Nam, là tăng trưởng tương đối cao, lạm phát vừa phải so với các nền kinh tế khác.

 

Còn Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - ông Alain Cany - đánh giá cao về thành quả tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt được thời gian qua, sau hơn 2 năm khó khăn do đại dịch Covid-19. 

 

Theo ông Alain Cany, Việt Nam vẫn khá tích cực với động lực chính là nguồn lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ. Xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan, chiếm 19% GDP so với mức dưới 1% của năm 2010. Nhiều tập đoàn lớn như LEGO, Pegatron, Foxconn,... cam kết đầu tư vài trăm triệu cho tới cả tỷ USD vào Việt Nam.

 

Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), nhìn nhận, kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh và ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều bất lợi, suy giảm.  

 

WB dự báo Việt Nam tăng trưởng ở mức cao: 7,2% trong năm 2022. Ngân hàng này đánh giá cao sự phục hồi mạnh của nhu cầu quốc nội và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn vững chắc.

 

Ngân hàng UOB cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2022 lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 7% được đưa ra trước đó.

 

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu

 

Dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 5, với tổng cộng 300 điểm phần trăm (từ 0,25% lên 3,25%/năm) và phát đi tín hiệu cứng rắn hơn trong thời gian tới. Lãi suất cơ bản của Mỹ có thể lên 4,6%/năm trong 2023, sau đó có thể ở mức cao trong một thời gian khá dài.

 

Hàng loạt đồng tiền trên thế giới tụt giảm, mất giá từ 10-25% như yen Nhật (JPY), bảng Anh (GPB), won Hàn Quốc (KRW), euro, baht Thái (THB), dolar Đài Loan (TWD), PHP… Bảng Anh xuống thấp nhất trong 40 năm và sắp về ngang giá với USD. Đồng euro xuống mức thấp nhất 20 năm, yen Nhật thấp nhất 24 năm và won Hàn Quốc thấp nhất 13 năm so với USD.

 

So với USD, đồng Việt Nam giảm ít nhất trong số các đồng tiền tại châu Á, chỉ xuống giá 4% trong 9 tháng đầu 2022.

 

Lạm phát tại Việt Nam tính tới hết tháng 8/2022 ở mức 2,89% so với cùng kỳ, trong khi tại Mỹ là 8,3%; lạm phát tháng 8 tại châu Âu là 9,1% và con số này trong tháng 9 đã lên tới 10%.

 

GDP toàn cầu 2022 theo dự báo mới nhất của WB là 2,8%. Việt Nam là một trong số ít các nước giữ được tăng trưởng ở mức cao: 7,2% theo dự báo của WB hay 8,5% trong 2022 theo dự báo của Moody’s.

 

Các chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam được đánh giá khá linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ứng phó khá tốt với bất ổn, giữ được lạm phát ở mức thấp và tỷ giá USD/VND tương đối ổn định. Trong khi đó, Chính phủ cắt giảm nhiều loại thuế và đang đẩy mạnh đầu tư công để vừa đảm bảo kiềm chế được lạm phát, đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

 

Tuy nhiên, tình hình không hoàn toàn tươi sáng. Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng từ đầu tháng 10/2022 có dấu hiệu suy giảm nhanh, mặt bằng lãi suất huy động vốn tăng cao kể từ tuần cuối tháng 9 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc tìm kiếm điểm cân bằng vào thời điểm này rất khó khăn.

 

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô hồi giữa tháng 9/2022, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, nhận định, về tổng thể nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt, tăng trưởng tốt. Bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng…

 

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn,... Điều này có nghĩa “đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại”. Theo ông, nếu đầu tư công "bơm máu" ra được cho nền kinh tế thì tình hình sẽ tốt hơn. Nếu "bơm" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

 

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, Aaditya Mattoo, nhìn nhận, nhà hoạch định chính sách các nước đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

 

Phó Chủ tịch WB phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Manuela V. Ferro, lưu ý, Việt Nam cần bảo đảm vững chắc sự tự cường của nền tài chính quốc gia và phải xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế. Ngoài ra, nên có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công và phát huy hiệu quả hơn những khoản đầu tư này.

 

Theo Vietnamnet


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang