Dân số trẻ, tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh, tỷ lệ người tiếp cận công nghệ thông tin, thương mại điện tử lớn, ASEAN được đánh giá là một trong những thị trường “nóng” nhất trên thế giới. Do vậy bảo vệ người tiêu dùng được các thành viên tổ chức này xác định là nội dung quan trọng trong hợp tác quốc tế khu vực.
Trong số các nước thành viên ASEAN, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia năng động nhất với sức phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng như một thị trường đông dân. Đặc biệt, ở những thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, thị trường mua sắm, tiêu dùng càng “nóng” hơn cả. Bởi vậy, cũng như tinh thần chung của cả khối ASEAN, Việt Nam đã cam kết đưa ra những mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025 như:
Tăng cường việc thực thi và giám sát của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng các cơ chế bồi thường, bao gồm các phương thức giải quyết tranh chấp; Cung cấp, chia sẻ thông tin và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của họ; Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, thúc đẩy tiêu dùng bền vững nhằm xây dựng lòng tin của người tiêu dùng và các giao dịch thương mại xuyên biên giới; Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ như tài chính, thương mại điện tử, vận tải hàng không, năng lượng và viễn thông...
Trong chiến lược 10 năm (2016 - 2025) về bảo vệ người tiêu dùng,ASEAN đang hướng tới một cộng đồng gồm những người tiêu dùng thông thái và có hiểu biết, được trang bị, cung cấp đầy đủ thông tin, từ đó có khả năng đưa ra những quyết định tiêu dùng đúng đắn. Đặc biệt, tháng 5/2019, Ủy ban ASEAN về Bảo vệ người tiêu dùng đã ra mắt sách về Luật và các quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ASEAN. Đó được coi là một trong những động thái mạnh mẽ thể hiện quyết tâm bảo vệ người tiêu dùng của ASEAN. Khối này cũng yêu cầu các thành viên cam kết tuân thủ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong khu vực ASEAN cũng như luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng tại từng quốc gia thành viên.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Sách về Luật và các quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ASEAN được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia liên quan trong từng lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, dịch vụ giao thông, ngân hàng… Mục tiêu của sách này nhằm cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về các quy định bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, cung cấp thực trạng thực thi và đánh giá một số hành vi thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), với việc các nước ASEAN cùng xắn tay vào cuộc, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Hà Nội sẽ được nâng lên tầm cao mới. Theo đó, các trường hợp quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm khi giao dịch xuyên quốc gia sẽ ngày càng được hạn chế hơn. Ngay cả các doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội hơn để nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình kể cả trong nước và khu vực.
Với vị thế là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, thiết thực để đẩy mạnh hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Vào tháng 02/2019, TP Hà Nội đã tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh – tiêu dùng bền vững”. Trong khuôn khổ sự kiện, có rất nhiều hoạt động đã diễn ra như: tổ chức "Tuần tri ân DN vì NTD" tại các điểm bán hàng cố định trên địa bàn TP Hà Nội và các website bán hàng trực tuyến; tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, phổ biến kiến thức tại 3 trường học trên địa bàn TP Hà Nội; tổ chức tư vấn, giải đáp, hỗ trợ về công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên Tổng đài 024.1081…
Lê Minh