Báo cáo không chỉ xếp hạng 30 thị trường lớn nhất thế giới xét theo tiêu chí sản lượng sản xuất do Hội nghị của LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) định nghĩa mà còn bao gồm 10 quốc gia “tiên phong” - chỉ những nền kinh tế tuy không dẫn đầu về sản lượng sản xuất nhưng là những nền kinh tế tiềm năng nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Cushman&Wakefield Việt Nam cho biết báo cáo toàn cầu này là sự phản ánh kịp thời của chỉ số sản xuất PMI tháng 2/2017, khi PMI của Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục (54,2) kể từ tháng 5/2015, đây là mức tăng đáng kể so với con số 51,9 tháng 1/2017.
Chỉ số này cho thấy sự tăng tốc của hoạt động sản xuất, sự gia tăng sản lượng toàn ngành, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất.
Ông Alex Crane, Tổng Giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam nhận định: “Tuy chỉ mới đầu tháng 3 nhưng sự gia tăng chỉ số sản xuất PMI và lượng vốn FDI trong 2 tháng đầu năm đã phản ánh một cách rõ nét những gì mà chúng tôi và các khách hàng trong phân khúc công nghiệp và sản xuất đang cảm nhận; đó chính là tâm lý lạc quan và niềm tin đang gia tăng trong một môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện”.
Trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng vốn FDI cam kết của Việt Nam đạt mức kỷ lục 3,41 tỷ USD, trong đó lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lên đến 2,5 tỷ USD (chiếm 73%), tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Crane cho biết thêm chỉ số rủi ro đã phản ánh những cải cách mà Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện, về cách thức vận hành nền kinh tế. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp, thay vì tâm lý dao động khi TPP có nguy cơ bị hủy, người ta lại đang chứng kiến những lợi ích kế thừa từ việc xây dựng niềm tin cho các công ty và nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn Báo Chính Phủ