Năm 2023 đi qua với những biến động nằm ngoài các dự báo, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng của tăng trưởng được cộng đồng quốc tế ghi nhận; vị thế và uy tín quốc tế của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Thúc đẩy hoàn thiện thể chế
2023 là một năm "dị thường" trong đời sống chính trị, kinh tế trên quy mô toàn cầu với nhiều sự kiện “đóng đinh” còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình thế giới không chỉ cho năm 2024 mà cả những năm tiếp theo.
Năm vừa qua, chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục dai dẳng chưa hồi kết; đến gần cuối năm, lại nổ ra chiến sự ở dải Gaza với những phức tạp khôn lường và đi suốt chiều dài cả năm là đà hồi phục kinh tế thế giới chậm lại. Đây cũng chính là 3 sự kiện luôn xuất hiện trong các cuộc bình chọn những sự kiện nổi bật thế giới trong năm của hầu như tất cả các hãng truyền thông thế giới.
Giữa những "bão táp" lẫn “sóng ngầm” của thời cuộc, có thể nói, đã sáng lên hình ảnh Việt Nam không chỉ là địa chỉ của tăng trưởng, phát triển mà còn là điểm sáng của một đất nước bên cạnh nỗ lực vì sự phát triển, còn đầy trách nhiệm với sự bình yên, phát triển của khu vực và thế giới.
Những biến động thời cuộc có thể lấy đi của chúng ta nhiều cơ hội nhưng không thể cản bước phát triển, ngăn được khơi dậy những nguồn lực nội sinh. Đã rõ một triết lý, càng khó khăn, Việt Nam càng tự tin để tiến bước, đi lên.
Những thành tựu nổi bật trong tăng trưởng kinh tế của chúng ta được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đó là tăng trưởng GDP, xuất siêu lập kỷ lục mới, nhiều ngành sản xuất đang phục hồi, thị trường trong nước ổn định...
Nhiều khung pháp lý quan trọng, như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… Toàn bộ các chính sách (bao gồm giãn, hoãn, giảm thuế, phí…) mà Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ cho các thị trường, có thể nói là chưa từng có. Đáng chú ý, hầu hết các chính sách áp dụng từ thời kỳ dịch Covid-19 đến nay được giữ nguyên.
Như Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đánh giá, trong một năm đầy khó khăn như 2023, cùng với sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Quốc hội; sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp góp sức nỗ lực đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại (chuyển từ thâm hụt sang thặng dư). 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục gần 30 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá hối đoái và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Trong năm, các định chế tài chính uy tín quốc tế dù có nâng lên, đặt xuống những con số điều chỉnh tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nhưng tựu trung có thể nhận ra một điều quan trọng: Dư địa tăng trưởng, phát triển của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Những điểm sáng, sự ổn định của một năm 2023 không chỉ khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả, kịp thời trong ứng phó thực tiễn của Đảng và Nhà nước, không chỉ là sự nỗ lực của cả đất nước “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn tạo đà để vượt lên thách thức của năm 2024, làm nền cho những lộ trình hợp tác, tận dụng cơ hội mới của thời cuộc đem lại. Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.
Thành công trong công tác đối ngoại
Bên cạnh những thành công rất đáng kể về tăng trưởng kinh tế còn ghi nhận những thành tựuđặc biệt nổi bật trên "mặt trận" đối ngoại. Tiếng nói Việt Nam cất lên mạnh mẽ, đầy trách nhiệm; hình ảnh Việt Nam sáng lên trên mỗi diễn đàn quốc tế, cam kết của Việt Nam càng thêm vững chắc. Gặt hái nhiều cơ hội phát triển từ những bước tiến trong lĩnh vực đối ngoại, nhưng ở chiều ngược lại, sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng là nền tảng quan trọng để các nước đặt niềm tin, sẵn sàng mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác.
Một năm trở lại đây, đã có 45 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt nước ta tới các nước láng giềng, nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Cùng với đó, gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam. Những hoạt động trên đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động liên tục và phức tạp, Việt Nam vẫn vững vàng kiên định trên “mặt trận” đối ngoại với sách lược ngoại giao cân bằng, đậm bản sắc "ngoại giao cây tre" đã tạo thêm động lực, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho kinh tế - xã hội. Nét nổi bật của đối ngoại 2023 là Việt Nam đã xử lý đúng đắn quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, hòa hiếu, đồng thời linh hoạt trong sách lược, ứng xử.
Tại một bài phân tích mới đây trên trang tin Bloomberg, có nhiều độc giả, nữ ký giả Karishma Vaswani cho rằng, 2023 chính là năm thành công đầy thuyết phục của "ngoại giao cây tre Việt Nam". Ký giả Karishma Vaswani cũng lưu ý rằng, nhiều cường quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế để đạt được lợi thế về chính trị, nhưng chiến lược này khó có thể tác động đến Việt Nam. Hà Nội sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì quan hệ với các nước có bất đồng với nhau. Chiến lược ưu tiên bảo vệ lợi ích quốc gia sẽ giúp Việt Nam duy trì sức ảnh hưởng cũng như thành công về kinh tế và chính trị.
Tiến sĩ Beak Yong-hun, Phó Giáo sư Việt Nam học thuộc Khoa Nghiên cứu châu Á và Trung Đông thuộc Đại học Dankook (Hàn Quốc), cũng chia sẻ các ý kiến của ký giả Karishma Vaswani khi nhận định, cùng với các khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện đã được xác lập trước đó với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, những bước tiến mới trong năm 2023 cho thấy Việt Nam đang tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng. Danh sách đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện ngày càng được mở rộng cho thấy niềm tin của các nước đối với Việt Nam, khẳng định và củng cố vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Không thể không nhắc đến những thành tựu trong đối ngoại kinh tế của Việt Nam trong một năm đầy biến động như 202 trong vai trò “mũi nhọn chủ công”, để từ đó huy động nguồn lực bên ngoài. Việt Nam đã và vẫn đang tranh thủ tốt các Hiệp định thương mại tự do, xu thế phát triển mới để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, khoa học -công nghệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia khu vực và quốc tế đều có chung đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực thành công trong việc tham gia, thực thi các cơ chế hợp tác để có những bước phát triển rất ấn tượng trong quan hệ kinh tế - thương mại, bất chấp những khó khăn trong và hậu đại dịch Covid-19 cũng như các biến động, xung đột địa chính trị.
Theo Congthuong.vn