Thứ Hai, 25/11/2024 02:04:50 GMT+7
Lượt xem: 1386

Tin đăng lúc 19-07-2021

Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc

Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,9% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.
Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc
Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc

Theo ước tính từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 360 triệu USD, tăng 6,5% so với tháng 5/2021 và tăng mạnh 40,4% so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 2,07 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. 


Trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2021, trong bối cảnh làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trong nước diễn biến phức tạp. Nhờ kinh nghiệm qua các đợt dịch trước, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động và có nhiều sáng kiến trong thúc đẩy lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng tránh dịch.

 

Điển hình như việc tiêu thụ trái vải thiều rất thành công của tỉnh Bắc Giang ở cả thị trường trong nước và trên thế giới. Trên thị trường thế giới, năm 2021 vải thiều của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.

 

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá triển vọng xuất khẩu hàng rau quả khả quan trọng nửa cuối năm 2021, khi kinh tế thế giới được dự báo có nhiều khởi sắc, thương mại hàng hóa toàn cầu có xu hướng phục hồi cao hơn so với trước đại dịch do nhiều quốc gia triển khai nhanh việc tiêm vắc xin. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng rau quả vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, bởi nguồn cung trái cây theo mùa khá dồi dào tại các nước sản xuất, trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá giảm.

 

Đáng chú ý, Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu trái chuối (mã HS 0803) đạt 155,3 nghìn tấn, trị giá 131,5 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá trái chuối (mã HS 0803) nhập khẩu bình quân đạt 846,3 USD/tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Chuối là loại trái cây được người Hàn ưa chuộng, nhưng đây là sản phẩm mà Hàn Quốc phải nhập khẩu gần như 100% do điều kiện canh tác không thuận lợi. Hàn Quốc nhập khẩu trái chuối chủ yếu từ thị trường Philippines trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 117,7 nghìn tấn, trị giá 100,3 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chuối từ Philippines chiếm 75,8% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.

 

Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 2,9 nghìn tấn, trị giá 2,3 triệu USD, tăng 13,6% về lượng, tăng 48,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức thấp, đạt 791,6 USD/tấn. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 1,9% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.

 

Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc, do có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Tuy nhiên, trái chuối của Việt Nam phải cạnh tranh với trái chuối Philippines - thị trường cung cấp chuối lớn nhất cho Hàn Quốc.

 

Do đó, để nâng cao thị phần trái chuối tại Hàn Quốc, phải tuân thủ quy định hệ thống danh mục thuốc bảo vệ thực vật của Hàn Quốc (viết tắt PLS), áp dụng từ năm 2019. Hệ thống này quy định các chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hàm lượng tồn dư tối đa trên rau quả, trái cây nhập khẩu. Trái chuối tuy có lợi thế ngắn hạn về giá cả nhưng về lâu dài cần duy trì sản phẩm chất lượng cao, cần có hệ thống quản lý sản xuất quy mô lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm.

 

Theo Vnbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang