Còn một số vướng mắc
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt – Nga tăng trưởng nhanh, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã chính thức có hiệu lực, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam và EAEU. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tăng hơn 30%/năm. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt mức 3,55 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2016 và năm 2018 đạt 4,57 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2017. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đạt 3,4 tỷ USD.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại phiên họp
“Đây là con số ấn tượng thể hiện nỗ lực của Chính phủ hai nước trong việc mở rộng và thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Theo như dự báo của nhiều chuyên gia, xu hướng tăng trưởng thương mại tốt sẽ còn tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử, điện thoại và nhập khẩu từ Nga phân bón, quặng, sắt thép, linh kiện, thiết bị… Mặc dù, hoạt động xuất nhập khẩu công nghiệp giữa hai nước trong thời gian qua có sự phát triển nhanh chóng, song theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay, tình hình xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam sang Nga đang gặp một số vướng mắc.
Ông Trần Thanh Hải dẫn chứng, mặc dù Nga là thành viên WTO nhưng vẫn áp dụng biện pháp kiểm soát về tiêu chuẩn chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, từ tháng 4/2018, Nga đã thông qua Quyết định 792 quy định về dán nhãn công nghệ một số sản phẩm như giày dép, dệt may, thuốc lá, lốp xe… cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nga có những quy định về phòng vệ ngưỡng, áp dụng đối với một số sản phẩm như dệt may, da giày…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga – ông Alexey Vladimirovich phát biểu tại phiên họp
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga – ông Alexey Vladimirovich – cho rằng, Quyết định 792 với mục đích phòng tránh gian lận thương mại, chống hàng giả. Vấn đề này không phải là rào cản thương mại mà là điều tự nhiên để làm lành mạnh môi trường kinh doanh.
“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, Chính phủ Nga sẽ sẵn sàng xem xét và đưa ra các khuyến nghị phù hợp” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga khẳng định.
Cũng tại phiên họp, vấn đề liên quan đến cung cấp các thiết bị điện gió và tổ chức sản xuất các cụm máy của thiết bị điện gió InS – V- 1000 tại Việt Nam cũng đang gặp khó đã được đề cập. Ông Huỳnh Tấn Tư - Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – cho biết, dự án sản xuất thí nghiệm Tổ máy phát điện bằng sức gió “hai hệ cánh đồng trục” của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và công ty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga (YnS- W) được thực hiện từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay đã qua 4 lần “trễ hẹn” vẫn chưa thực hiện được, khiến dự án tốn nhiều thời gian và tăng chi phí.
Hiện nay, dự án đang ở giai đoạn lắp ráp, thử nghiệm ngoài trời. “Vì vậy, chúng tôi đề nghị phía Việt Nam, cụ thể là UBND TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng gia hạn dự án đến hết năm 2020. Đồng thời, đề nghị Chính phủ Nga hỗ trợ nhanh chóng thủ tục đất đai cho việc thử nghiệm Tổ máy hai hệ cánh đồng trục ngoài trời tại Nga. Sau khi hoàn thành thử nghiệm ngoài trời, cũng như điều chỉnh công suất cần thiết, sẽ hoàn thành ban Tổ máy vào cuối năm 2020, đây là triển vọng mở ra nhà máy điện gió tại Việt Nam” – ông Huỳnh Tấn Tư nhấn mạnh.
Triển vọng hợp tác dự án tiềm năng
Tại phiên họp, sau khi thảo luận những vấn đề khó khăn trong năm 2019, hai bên đã thảo luận về những triển vọng hợp tác trong thời gian tới. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hy vọng, phiên họp Tiểu ban hợp tác về công nghiệp lần này đạt nhiều thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực sản xuất phương tiện vận tải, công nghiệp đường sắt, cơ khí chế tạo, dược phẩm và thiết bị y tế, khai khoáng, hóa chất, luyện kim…
“Đây sẽ là tiền đề tích cực cho thành công của Khóa họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Nga lần thứ 22” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Cụ thể, với lĩnh vực công nghiệp ô tô, trong thời gian qua, Việt Nam đã hợp tác, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ô tô tại Nga hoạt động sản xuất tại Việt Nam. “Chính vì vậy, trong thời gian tới, mong Chính phủ Nga tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, mở rộng thị trường tại Nga trong hoạt động sản xuất ô tô” – ông Trần Thanh Hải đề xuất.
Về phía Nga, các doanh nghiệp Nga cũng bày tỏ sự quan tâm hợp tác trong lĩnh vực khác như: chế tạo máy bay, xây dựng và năng lượng… Đặc biệt, các doanh nghiệp Nga rất mong muốn được hợp tác về hàng không với Việt Nam.
Đối với hợp tác đóng tàu biển, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga cho biết, hiện nay, Nga đã hợp tác với Việt Nam chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu biển. Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga đã sản xuất ra vật liệu mới để ứng dụng trong công nghiệp công nghệ cao. Hy vọng trung tâm này sẽ tạo ra những sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp khác nhau của Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nga cũng quan tâm đến hợp tác trong các lĩnh vực luyện kim, cung cấp công nghiệp nhôm, hóa chất, phân bón, dược phẩm, thuốc…
“Tin rằng với sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nga và Việt Nam, cùng nỗ lực của Chính phủ hai nước trong việc đưa ra những chính sách tạo thuận lợi thương mại, chắc chắn thời gian tới, quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương